Hà Nội: Thống nhất phương án vay lại Dự án Đường sắt đô thị

Cẩm Anh 08/07/2019 13:39

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội, phương án vay lại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội đã được đưa ra bàn thảo và thống nhất.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn tiếp tục chậm tiến độ

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn tiếp tục chậm tiến độ

Theo đó, bà Hồ Vân Nga- Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho biết, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND thành phố trình. Việc Hà Nội thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của Dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của dự án. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội: Nhiều công trình chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng

    12:00, 08/07/2019

  • Hà Nội vay lại 98,35 triệu USD vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

    11:00, 03/07/2019

  • Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa dùng đã xuống cấp: Vì sao?

    00:00, 29/03/2019

  • Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Lo lắng trước giờ G!

    00:10, 11/03/2019

  • Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể bị bàn giao chậm

    04:00, 10/12/2018

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi Hội đồng nhân dân thành phố về phương án vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, theo nội dung dự kiến của Bộ Tài chính, giá trị vay lại của Hà Nội dự kiến khoản 98,35 triệu USD (số tiền thực tế thành phố phải nhận nợ của dự án sẽ được Bộ Tài chính xác định chính thức sau khi dự án hoàn thành, bàn giao, kết thúc giải ngân thanh toán), tương đương khoảng 2.306 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay lại là 4%/năm, tính trên số dư nợ vay lại. Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí  liên quan khác, bên vay lại sẽ phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn.

Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng với một năm có 360 ngày. Thời hạn cho vay lại sẽ tính từ khi hợp đồng có hiệu lực đến ngày trả nợ gốc cuối cùng là ngày 21/7/2025, riêng khoản vay 47,092 triệu USD ngày trả nợ gốc cuối cùng là ngày 21/9/2032.

Theo đại diện chủ đầu tư dự án, khoản tiền này vẫn nằm trong tổng mức đầu tư và là phần kinh phí sử dụng cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy, toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ và một số thiết bị phụ trợ.

Đối với Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký tờ trình số 90/TTR-UBND gửi HĐND thành phố về việc đưa  vào danh mục dự án đầu tư, sử dụng từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Theo cơ cấu vốn, vốn vay ODA dự kiến trên 1.400 triệu USD, tương đương khoảng 34.296 tỷ đồng (chiếm 84,5% tổng mức đầu tư); vốn đối ứng ngân sách thành phố dự kiến là trên 271 triệu USD, tương đương khoảng hơn 6.280 tỷ đồng (chiếm 15,5% tổng mức đầu tư) thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia.

Hiện nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có cam kết tài trợ 450 triệu USD. Trong đợt làm việc của Đoàn chương trình ADB về chương trình tài trợ cho Việt Nam giai đoạn từ 2020 – 2022 từ ngày 20/2-26/3/2019, ADB khẳng định sẽ đưa dự án vào danh mục vay vốn của ADB nếu Hà Nội lựa chọn đầu tư dự án theo hình thức vay ODA.

Dự kiến dự án bắt đầu trả nợ vay từ năm 2026, sau khi hoàn thành xây dựng và hết thời gian ân hạn từ 5 năm đến 10 năm. Việc trả nợ thực hiện theo chu kỳ 6 tháng một lần trong vòng 20 năm đến 30 năm tùy thuộc vào điều kiện vay của từng nhà tài trợ.

"Phương án vay lại này được HĐND thành phố Hà Nội quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của thành phố theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm không tính vào bội chi ngân sách địa phương”, bà Nga cho biết.

Liên quan đến việc đưa dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong điều kiện cân đối các nguồn lực của thành phố hiện nay.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn ODA cho Dự án không vượt quá hạn mức vay nợ của thành phố và khả năng cân đối ngân sách để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng phù hợp với dự kiến Kế hoạch tài chính trung hạn của Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Nhìn nhận về dự án, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đường sắt đô thị là xu hướng phát triển tất yếu của thành phố. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra cần cả một giải pháp tổng thể, đồng bộ trong thiết kế, kết nối hạ tầng giao thông... bên cạnh các phương án về vốn vay để dự án nhanh chóng đi vào hoạt động.

Đề cập đến thực trạng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội tiến độ quá chậm, cử tri nhiều quận đề nghị thành phố Hà Nội có biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Đồng thời, tránh việc hoàn trả mặt đường kém để tránh gây lãng phí thời gian và tiền của Nhà nước.

Trong buổi hội nghị tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp lần thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội, nhiều cử tri quận Hoàn Kiếm đã có nhiều ý kiến, đóng góp, bày tỏ bức xúc về dự án đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, đề nghị quy trách nhệm cho đơn vị, cá nhân liên quan khiến dự án đội vốn, chậm tiến độ.

Cẩm Anh