Hải Dương: Hút đầu tư tạo “sức kéo” cho doanh nghiệp trong nước

Nguyễn Hà 16/07/2019 11:05

Mục tiêu thu hút các dự án lớn nhằm giải quyết bài toán lao động nhưng hiện nay chúng ta cần quan tâm đến giá trị gia tăng của công nghệ, sẽ có sức lôi kéo đối với doanh nghiệp trong nước.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 18 Khu Công nghiệp (KCN) theo Quy hoạch của Thủ tướng Chính Phủ. Hiện nay đang triển khai 10 KCN với tỷ lệ lấp đầy trên 74%.

Đại An (Hải Dương) là một trong những Khu Công nghiệp thu hút đầu tư rất hiệu quả

Đại An (Hải Dương) là một trong những Khu Công nghiệp thu hút đầu tư rất hiệu quả

Định hướng phát triển tốt

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Các KCN Hải Dương, tỉnh này xác định KCN là nơi thu hút các dự án và định hướng phát triển công nghiệp rất tốt. Bản chất vào KCN thì quản lý được khâu bảo vệ môi trường tốt hơn.

Được biết, tại Hải Dương hiện nay 100% KCN đều có nhà máy xử thải tập trung và có trạm quan trắc nối mạng tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát 24/24. Các dự án trong KCN hiện nay về phát thải, khí thải đều đảm bảo, chưa có vấn đề gì. Về rác thải, hiện nay theo mô hình của Hải Dương thì các doanh nghiệp đều phải ký hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực để vận chuyển và xử lý. Theo đó, toàn bộ vấn đề môi trường ở KCN được quản lý tốt.

Có thể bạn quan tâm

  • "Chồng chéo" Luật Quy hoạch

    12:35, 15/07/2019

  • Luật Quy hoạch: Đại biểu Quốc hội “vênh” quan điểm

    11:35, 31/05/2019

  • Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Quy hoạch

    00:00, 08/05/2019

  • Nghị định 37 hướng dẫn Luật Quy hoạch: "Gỡ" nút thắt hành chính

    00:00, 04/06/2019

  • Luật quy hoạch hiện nay còn “cứng”

    18:50, 30/05/2018

Hiện nay, các doanh nghiệp trong KCN đều đến từ các nước tiên tiến, có tiềm lực kinh tế cho nên họ phát triển khá tốt. Việc đóng góp của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương rất tốt. Như vậy, định hướng để phát triển KCN và thu hút đầu tư nước ngoài vào vừa giải quyết tốt bài toán việc làm vừa tạo nguồn thu cho tỉnh.

Theo ông Phạm Minh Phương - Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Hải Dương, mặc dù thấy rõ tính ưu việt của KCN nói chung nhưng hiện nay đất công nghiệp trên địa bàn không còn nhiều, bởi thế tỉnh xác định có mấy vấn đề trong thu hút đầu tư.

Địa phương cần xem xét rất kỹ vấn đề môi trường. Những dự án mà có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao thì tỉnh không chấp nhận. Ngoài ra, cần quan tâm đến công nghệ của dự án, đó phải là công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hơn nữa, hiện nay lực lượng lao động đang bắt đầu thiếu hụt, khi công nghệ hiện đại sẽ mang lại giá trị gia tăng cao mà sử dụng ít lao động.

Mục tiêu cuối cùng của sự phát triển bền vững là phải phát triển nội lực, đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển lên xứng tầm với các doanh nghiệp quốc tế.

"Tỉnh cũng hướng thu hút những dự án, ngành nghề tạo “sức kéo” cho các doanh nghiệp trong nước", ông Phương nói.

“Vướng Luật Quy hoạch”

Mặc dù thấy rõ tính ưu việt của các Khu Công nghiệp (KCN) nói chung nhưng hiện nay đất công nghiệp không còn nhiều, việc điều chỉnh hay phát triển đang vướng.

Thực trạng chúng ta phát triển công nghiệp manh mún, chỗ nào có đất thì cấp dự án, việc xử lý môi trường không tập trung… các khu công nghiệp hiện đang ảnh hưởng Luật Quy hoạch cho nên việc điều chỉnh và phát triển các KCN chưa rõ nét.

Được biết,  năm 2018 Thủ tướng Chính phủ về làm việc với tỉnh Hải Dương và đã có chủ trương cho phép mở rộng 2 KCN và tăng bổ sung thêm 1 KCN. Tuy nhiên hiện nay sau khi từ 1/1/2019 luật Quy hoạch có hiệu lực, toàn bộ những Quy hoạch được thay đổi sẽ tích hợp vào trong việc triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh sau này.

Hiện, từ Bộ ngành đến địa phương trên cả nước nói chung, việc triển khai Luật Quy hoạch còn chậm, thực tế một số khái niệm còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau dẫn đến việc lúng túng trong áp dụng.

Sáng 15/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp trực tuyến về việc triển khai Luật quy hoạch này. Theo đó, rất nhiều tỉnh và các Bộ cũng đã có ý kiến, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét lại, có những hướng “mở”.

Thực tế, dù việc xây dựng Quy hoạch là đúng đắn rồi thế nhưng để có thể xây dựng được hệ thống đồng bộ từ tỉnh đến Quy hoạch quốc gia mất rất nhiều thời gian. Ngay cả trong quá trình triển khai, liên tục có những sự thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp, nếu chúng ta xây dựng luật mới cứng quá thì sẽ không điều chỉnh kịp theo sự phát triển và thực tế của từng giai đoạn một.

"Ở góc độ địa phương, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét trong giai đoạn chưa xây dựng được Quy hoạch thì cũng vẫn tiếp tục cho thực hiện những Quy hoạch cũ, theo cơ chế cũ đến khi nào chúng ta xây dựng xong Quy hoạch rồi thì chúng ta triển khai Quy hoạch. Trong quá trình xây dựng để triển khai Luật Quy hoạch, đề nghị xem xét cơ chế cho việc điều chỉnh, bổ sung các Quy hoạch phù hợp thực tế, gọn nhẹ và hỗ trợ các ngành, địa phương. Việc xây dựng cơ chế này sẽ tạo ra sự nhanh nhạy, đáp ứng xu thế phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn", ông Phương chia sẻ.

Nguyễn Hà