Quảng Nam phát triển du lịch Cù Lao Chàm: Khó chồng thêm khó
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến du khách, đến chất lượng du lịch Cù Lao Chàm mà còn làm cho doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào cảnh ế ẩm.
Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An) là điểm du lịch hấp dẫn của Quảng Nam. Dù được coi là điểm du lịch quan trọng, nhưng hạ tầng và sản phẩm phục vụ du lịch ở Cù Lao Chàm còn quá khiêm tốn, khách có muốn ở lại cũng khó.
Khó hút khách lưu trú
Điều bất tiện đầu tiên nếu du khách chọn lưu trú dài ngày tại Cù Lao Chàm là nơi ăn nghỉ. Cả đảo chỉ có vài homestay (ở cùng nhà với dân địa phương), tiện nghi rất đơn sơ. Khách có nhu cầu cao cấp sẽ khó được đáp ứng bởi... không có khách sạn nào. Ngoài ra, các nhà hàng hải sản chỉ phục vụ khách đoàn đăng ký từ trước, khách đi lẻ rất khó tìm được điểm ăn uống vừa ý.
Theo một hướng dẫn viên bản địa cho biết hầu hết các đoàn khách của chị tham quan Cù Lao Chàm trong ngày và rút về đất liền trước khi trời tối. Riêng đêm thứ bảy và chủ nhật lượng khách qua đêm đông hơn nhờ một vài hoạt động trong chương trình Đêm Cù Lao. Bản thân các DN kinh doanh dịch vụ, du lịch tại đảo cũng chưa có những sáng tạo mới mẻ trong kinh doanh, cần nhiều hơn nữa những sản phẩm du lịch mới mới mong níu chân được du khách ở lại đảo.
Chủ homestay Tám Hoa cho biết mặc dù lượng khách hàng ngày đến đảo tham qua đông nhưng số người ở lại rất ít. Có ngày được vài phòng ở lại để vui chơi qua đêm nhưng cũng có ngày chẳng có khách nào đến đăng kí ở lại đảo. Khách du lịch rất kén việc ở lại, vì thiếu nơi để khách vui chơi.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng gửi thư chúc mừng 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới
17:10, 24/05/2019
Đà Nẵng nói gì về kế hoạch đưa khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm?
05:00, 10/05/2019
Du lịch giá rẻ sẽ giết chết Cù Lao Chàm?
14:20, 31/10/2018
Ông Mai Quốc Bảo Phó chủ tịch UBND xã cho biết: mỗi ngày đảo chỉ nhận 3000 du khách đến thăm quan, không thể nhận nhiều hơn. Vì nhận nhiều hơn thì áp lực về các địa điểm lưu trú, vui chơi và vấn đề môi trường trên đảo phải chịu áp lực lớn. “Cũng rất khó để níu chân du khách ở lại, vì cơ sở hạ tầng trên đảo còn quá thô sơ. Các điểm vui chơi cũng chưa có, ngoài những chương trình đêm Cù Lao vào tối thứ bảy hàng tuần. Hiện tại, địa phương cũng đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp mở các dịch vụ vui chơi giải trí trên đảo để thu hút du khách đến đảo tham quan và ở lại” - Ông Bảo nói.
Thực tế khách chọn lưu trú qua đêm tại Cù Lao Chàm thường là người nước ngoài. Các dịch vụ như tham quan đảo, ngắm san hô, tắm biển, ăn hải sản thì thời gian cũng gói gọn trong ngày.
Thiếu tính liên kết
Đó là nhận định của ông Trần Văn Khó - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm, ông Khoa cho biết: tình hình phát triển du lịch ở đảo Cù Lao Chàm đang ở mức ổn, nhưng nếu xét sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau thì thực sự chưa được tốt.
Theo tìm hiểu, TP Hội An hiện có 42 doanh nghiệp với hơn 130 phương tiện kinh doanh dịch vụ đưa đón, vận chuyển du khách tham quan Cù Lao Chàm. Việc bán vé do các doanh nghiệp thực hiện nên mạnh ai nấy làm, từ đó nảy sinh tình trạng bán phá giá.
Ông Khoa nhìn nhận các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá không chỉ ảnh hưởng đến du khách, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Cù Lao Chàm mà còn tự đập bể "bát cơm" của mình. Bởi lẽ, khi chất lượng dịch vụ kém, không tương xứng với số tiền bỏ ra thì chắc chắn du khách sẽ không quay lại cũng như không giới thiệu người thân, bạn bè đến du lịch. Chính vì vậy, bản thân các doanh nghiệp trước hết phải tự ý thức được điều đó và nói không với cách làm sai trái này.
Ông Khoa cho biết: “Bên trong sự phát triển du lịch của Cù Lao Chàm vẫn còn tồn tại của lợi ích nhóm, các doanh nghiệp lớn giúp đỡ, nhường khách cho những doanh nghiệp nhỏ nên không có sự kiểm soát chung về chất lượng của các tour du lịch. Nếu không quản lí được việc bảo đảm chất lượng các tour du lịch thì thương hiệu du lịch của đảo sẽ bị giảm xuống, dần dần sẽ mất thiện cảm đối với du khách. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ không bảo vệ được chính mình, tạo điều kiện để các “cá mập” khác nhảy vào, tranh dành lợi nhuận kinh tế. Lúc đấy thì chỉ còn ngồi nhìn và tiếc rẻ mà thôi”.
Đã có một du khách người Mỹ đánh giá như thế này: “Chúng tôi đã mắc phải một sai lầm lớn khi đã đặt một tour rẻ tiền khi ra thăm Cù Lao Chàm. Đúng là một trải nghiệm thật kinh khủng”.
Đại diện Công ty lữ hành Jack Tran Tour nói rằng: Nếu như các doanh nghiệp không thay đổi tư duy để làm du lịch thì việc phát triển du lịch của Củ Lao Chàm bền vững trong tương lai là rất khó.
"Các doanh nghiệp hiện nay chỉ biết chạy theo lợi nhuận trước mắt, “ăn sâu” vào phần khấu trừ hao mòn của phương tiện để rồi sau này gặp khó khăn trong việc sửa chữa bảo trì thì lại kêu ca. Ngay cả trong phong cách phục vụ du khách, các doanh nghiệp vẫn chưa đạt được sự chuyên nghiệp nhất định, tự bản thân doanh nghiệp cần phải có sự đào tạo các kĩ năng cho nhân viên của mình để tạo ấn tượng tốt hơn cho du khách", đại diện Jack Tran Tour nói
Nhằm nâng tầm thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai để các doanh nghiệp cùng nhau phát triển kinh tế. Nếu như các doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung, không cùng đồng thuận một phương án phát triển kinh tế du lịch thì các tour du lịch ở Cù Lao Chàm hiện nay “Có chạy cũng chết mà không chạy cũng chết!”, vị này cho biết.