Nạo vét cảng biển miền Trung loay hoay tìm bãi thải

Ngọc Thái 28/07/2019 16:36

Để mở rộng, nâng cấp bến bãi tập kết hàng hóa, nhiều cảng biển miền Trung đã được đầu tư xây dựng với công suất hàng triệu tấn mỗi năm.

Và, để đáp ứng các tàu công suất lớn từ 40.000DWT trở lên thì việc xây dựng bến bãi phải đi đôi với phần việc nạo vét luồng lạch ra, vào. Tuy nhiên, khối lượng chất thải từ nạo vét cảng biển hiện nay vẫn đang “tắc” bãi tập kết khiến bài toán phát triển cảng biển có nguy cơ trở thành tấm áo vá.

 Không được đầu tư nạo vét luồng lạch dẫn vào cảng Cửa Lò khiến dự án xây dựng bến cảng số 5, số 6 của Cty TNHH Cảng Cửa Lò khó khai thác hết công suất đặt ra

Không được đầu tư nạo vét luồng lạch dẫn vào cảng Cửa Lò khiến dự án xây dựng bến cảng số 5, số 6 của Cty TNHH Cảng Cửa Lò khó khai thác hết công suất đặt ra

Bến cảng có trước, luồng lạch ì ạch theo sau

Ông Nguyễn Hồng Sơn – giám đốc Cty TNHH Cảng Cửa Lò cho biết, bến cảng số 5, số 6 được đơn vị đầu tư hơn 400 tỷ đồng nhưng sau khi đưa vào sử dụng năm 2017 đến nay vẫn không thể khai thác hết công suất. Nguyên nhân do luồng lạch chưa được nạo vét để có thể đạt độ sâu giúp tàu công suất lớn di chuyển vào cập cảng.

Trong khi đó, việc nạo vét luồng lạch dẫn vào cảng biển Cửa Lò cũng được thực hiện hàng năm nhưng vẫn không đảm bảo được độ sâu cần thiết cho tàu thuyền ra, vào.

“Trước đó, khi chưa đưa bến cảng số 5, số 6 vào sử dụng, luồng lạch dẫn vào cảng đã có độ sâu -7,2m. Tuy nhiên, khi dự án của đơn vị hoàn thành, đưa vào sử dụng thì độ sâu luồng lạch dẫn vào bến cảng chỉ đạt độ sâu -6,8m. Quá trình bồi lắng, thiếu quan tâm trong việc nạo vét luồng lạch đã khiến cho các bến cảng sau khi đầu tư, đưa vào sử dụng gặp rất nhiều khó khăn” – ông Sơn cho biết thêm.

Được biết, vào tháng 7/2018, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi Bộ TN&MT về việc không đồng ý nhận chìm chất nạo vét của dự án nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển 10.000 DWT ở cảng Cửa Lò thuộc Tổng Cty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc. Lý do Bộ NN&PTNN đưa ra là việc nhận chìm này quá gần cửa biển sẽ ảnh hưởng đến ngư trường khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản gần bờ.

Không chỉ cảng Cửa Lò, Vũng Áng, luồng lạch dẫn vào cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) cũng đang bế tắc do không được nạo vét, nâng cấp…

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư theo hình thức PPP nạo vét cửa Định An: Tại sao không?

    17:09, 23/04/2019

  • Tốn hàng chục tỷ đồng nạo vét, tàu ngư dân vẫn mắc cạn

    05:19, 12/04/2019

  • Đánh giá tác động môi trường khi nạo vét vùng nước cảng biển

    00:00, 01/12/2018

  • Thái Bình đầu tư hơn 75 tỷ đồng nạo vét sông Tiên Hưng

    14:01, 16/10/2018

Lo ngại về môi trường

Việc quy hoạch, xử lý bãi tập kết chất thải nạo vét luồng lạch cảng Cửa Lò, cảng Vũng Áng, Sa Kỳ đến nay vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Mặc dù, trước đó khi chấp thuận chủ trương đầu tư, các cơ quan liên quan đều đưa ra phương án phải nạo vét luồng lạch để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho từng bến cảng sau khi đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, phần việc này không được quan tâm, thực hiện như quy hoạch khi triển khai. Cơ quan chức năng không tính toán kỹ lưỡng việc xử lý chất thải nạo vét luồng lạch cảng biển. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, việc nhận chìm chất thải nạo vét đã gặp phải sự phản đối của các Bộ, ngành, địa phương vì lo ngại về bảo vệ môi trường.

Đơn cử, vào năm 2017 tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép nhận chìm ở biển tại Cửa Lò nhưng do vướng mắc thủ tục giao khu vực biển nên chưa thực hiện được việc nạo vét.

Còn tại công trường thi công bến số 3 cảng Vũng Áng được đầu tư 2 giai đoạn với tổng vốn 1.000 tỷ đồng, đến nay tiến độ hoàn thành đã đạt hơn 70% khối lượng công việc nhưng vẫn chưa thể nạo vét luồng lạch do địa phương chưa bố trí được bãi thải.

Thực trạng này khiến nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa vì xây dựng cảng hàng nghìn tỷ đồng mà khó có hy vọng đạt công suất thiết kế .

Ngọc Thái