Góc khuất Nam Hội An - Quảng Nam (Kỳ 1): Sau giải tỏa là thất nghiệp
Giải quyết việc làm cho người lao động sau khi giải tỏa mặt bằng hiện nay vẫn còn là một bài toán khó đối với doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương.
Tại Nam Hội An, tỉnh Quảng Nam, sau khi giải tỏa đền bù, việc phát triển kinh tế trên địa bàn xã có chiều hướng suy giảm vì nhiều người thất nghiệp hoặc không có công việc ổn định.
Sống "bám" nhờ tiền đền bù
Đến vùng Nam Hội An, không khó để thấy hình ảnh những lão nông, lão ngư thư thả sáng ngồi uống trà hoặc cà phê đến trưa mà không màng thời gian. Không hẳn là do họ vô công rỗi nghề, cũng không phải vì có số tiền giải tỏa đền bù nên họ ăn tiêu, mà khi chấp nhận giải tỏa, người ta cũng đã mất đi công việc từ lâu của mình.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Khu dân cư 2A Quảng Nam huy động vốn trái phép (Kỳ 2): Chính quyền tỉnh Quảng Nam lên tiếng
06:00, 07/06/2019
Thực hư việc dự án Khu dân cư 2A Quảng Nam huy động vốn trái phép
12:34, 06/06/2019
Quảng Nam: Lãnh đạo và chuyên gia hiến kế xây đảo nhân tạo “giải cứu” bờ biển Cửa Đại
11:50, 11/04/2019
Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng, Quảng Nam ổn định thị trường đất đai
09:14, 02/04/2019
Vùng Nam Hội An có qui mô qui hoạch 985 ha, có 4 xã nằm trong diện bị thu hồi đất là Duy Hải, Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên và Bình Dương, Bình Minh huyện Thăng Bình. Trong đó, xã Duy Hải có qui mô thu hồi 560ha đất, nhiều nhất trong các xã còn lại.
Nhiều người dân địa phương cho biết sau khi đất nông nghiệp bị thu hồi, nông dân không còn đất để canh tác, nên chẳng biết làm gì. Nhiều người cả đời chỉ biết bươn chải với đồng ruộng, đến khi không còn đất thì chẳng biết bám vào đâu.
Bà Hồ Thị Mỹ (xã Duy Hải) cho biết: bà sống độc thân, đến nay đã bị thu hồi cả đất ở và đất hoa màu. “Cả đời tôi từ xưa đến nay chỉ biết làm nông để mà trang trải cuộc sống. Sau khi được giải tỏa vào khu tái định cư mới, được chia 1 lô đất để xây nhà ở, thì tôi mất luôn cả việc làm, chỉ biết sống dựa vào tiền đền bù giải tỏa”.
“Hiện tại đa phần người dân lao động nông nghiệp sau khi di chuyển vào khu tái định cư đều rỗi việc, những người lớn tuổi vốn chỉ quen với ruộng đồng nên rất khó tìm việc khác. Mà nếu chúng tôi muốn thay đổi công việc thì phải tốn công đi học, mà với độ tuổi này thì khó. Tất cả việc làm hiện nay đều yêu cầu trong độ tuổi lao động và có chuyên môn, còn chúng tôi thì không đủ yêu cầu”, bà Mỹ cho biết.
Cũng chung tình trạng như vậy, ông Lê Cường chia sẻ: Từ khi chuyển vào khu tái định cư, hàng ngày tôi chỉ ở nhà và đi chợ nấu ăn, chẳng có việc gì để làm. Nghe lời mọi người, tôi xin vào các dự án gần nhà để làm công việc chân tay nhưng cũng không được vì đã quá tuổi. Thế là tôi đành tận dụng các phần đất của dự án đường ven biển để trồng trọt , khi nào dự án qui hoạch tôi sẽ trả lại đất và nghỉ ngơi.
Rất nhiều trường hợp quá tuổi như bà Mỹ, ông Cường dù còn sức lao động nhưng cũng đành ở nhà vì không có việc. Tiền đền bù cũng chỉ có hạn, người dân đã dành ra một khoảng lớn để xây dựng nhà cửa, phần còn lại dùng để dành cho những lúc đau ốm khi về già.
Chính quyền gặp khó
Sau khi giải tỏa đền bù, việc phát triển kinh tế trên địa bàn xã có chiều hướng suy giảm vì nhiều người thất nghiệp hoặc không có được công việc ổn định. Việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi giải tỏa hiện nay vẫn còn là một bài toán khó đối với doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương.
Ông Trần Văn Siêm - Phó chủ tịch UBND xã Duy Hải khẳng định: "Việc người dân thất nghiệp là có, bài toán giúp người dân ổn định sau khi bị thu hồi đất rất khó giải quyết. Ở độ tuổi này không thể xin việc tại các dự án, kể cả là việc lao động chân tay. Vấn đề giải quyết việc làm cho người qua độ tuổi lao động ở địa phương vô cùng khó khăn đối với doanh nghiệp và chính quyền địa phương".
“Rất khó để giải quyết việc làm cho người dân hiện nay, bởi vì độ tuổi của người dân không phù hợp với các chính sách đào tạo của các nhà đầu tư dự án. Giải quyết việc làm cho người dân, chính quyền cũng chỉ có thể hỗ trợ ở một mức độ nào đó. Việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp ở địa phương dường như đã rơi vào bế tắc”, ông Siêm cho biết.
Về lâu dài, để cuộc sống người dân khu tái định cư ổn định, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách hợp lý trong quy hoạch, xây dựng các khu dân cư tái định cư. Việc triển khai thực hiện dự án phải quyết liệt và đồng bộ, cần phải lấy quyền lợi, nhu cầu người dân làm trung tâm.
Cần có một quy định rõ ràng, yêu cầu các nhà đầu tư dự án phải đảm bảo kế sinh nhai cho người dân sau khi họ bàn giao đất. Phải đảm bảo ổn định đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất, tránh tình trạng thất nghiệp để người dân được an tâm.