Hạ tầng “trói chân” vùng Tây Nam bộ (Kỳ 4): Kênh tắt đang tắc

Huỳnh Khởi 14/08/2019 16:22

Năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử cụm cảng Cái Cui - TP.Cần Thơ đã đón tàu 500 container (7.000 tấn) cập cảng.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác tuyến Kênh Tắt Quan Chánh Bố bị tắc vì sa bồi, tàu trọng tải lớn không thể ra vào, hàng hóa của vùng vẫn phải vận chuyển lên cụm cảng TP.HCM để xuất khẩu như cũ.

Dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua Kênh Tắt (đào mới) và Kênh Quan Chánh Bố (sau đây gọi tắt luồng Kênh Quan Chánh Bố) có tổng mức đầu tư 2 giai đoạn lên đến gần 10.000 tỷ đồng được khởi công thực hiện cách đây 10 năm.

p/Chỉ sau một năm khai thác, luồng Quan Chánh Bố tiếp tục bị bồi lắng và cần kinh phí nhiều tỷ đồng để nạo vét. Sơ đồ luồng kênh Quan Chánh Bố và cửa Định An

Chỉ sau một năm khai thác, luồng Quan Chánh Bố tiếp tục bị bồi lắng và cần kinh phí nhiều tỷ đồng để nạo vét. Sơ đồ luồng kênh Quan Chánh Bố và cửa Định An

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Mặc dù trễ hơn dự kiến nhưng đến năm 2016 dự án luồng kênh Quan Chánh Bố cũng đã hoàn thành giai đoạn 1, tàu 1 vạn tấn đầy tải và 2 vạn tấn vơi tải có thể ra vào. Phát biểu tại buổi lễ đón tàu trọng tải lớn cập cảng Tân cảng Cái Cui, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng sự kiện tàu trọng tải lớn vào đến cảng là niềm mong mỏi, chờ đợi của người dân ĐBSCL hơn 40 năm qua. Đáng tiếc là niềm vui “chưa được tày gang” chỉ sau một năm đi vào khai thác, luồng Quan Chánh Bố tiếp tục bị bồi lắng và cần kinh phí nhiều tỷ đồng để nạo vét không khác gì luồng Định An.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TP.Cần Thơ cho rằng: Dự án có vốn đầu tư lớn nhưng chỉ vì một đoạn bồi lắng 3,8km mà cả dự án không phát huy được hiệu quả, đây là một lãng phí lớn cần phải nhanh chóng khắc phục.

  Cục Hàng hải nên xem xét phương án duy tu nạo vét luồng Định An và khai thác luồng này song song với luồng Quan Chánh Bố để đáp tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho ĐBSCL.

Đón đầu cơ hội kinh doanh khi mở luồng sông Hậu, năm 2016, Tổng công ty Tân Cảng đã thuê lại bến cảng tại cụm cảng Cái Cui (TP Cần Thơ), với mục tiêu phát triển thành cảng chuyên dụng container Tân Cảng Cái Cui. Phó Giám đốc phụ trách khu vực ĐBSCL, Tổng công ty Tân Cảng: Đặng Anh Diệp than thở: “Từ tháng 10/2017, khi luồng sông Hậu “mắc cạn”, dàn cẩu và phương tiện bốc xếp đành phải án binh bất động, bờ bãi hoang vắng, cho đến hôm nay cũng chưa nghe tin bao giờ luồng tàu thông thoáng trở lại”.

Kế bên Tân Cảng Cái Cui là Cảng Cần Thơ cũng cùng chung nỗi niềm. Ông Lê Tiến Công, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ cho biết: Công ty vừa đầu tư hàng chục tỷ đồng để trang bị phương tiện bốc xếp hàng container nhưng do hiện nay tàu trọng tải lớn không vào được nên cũng chưa có hàng để hoạt động.

Đề xuất khai thác luồng Định An song song

Theo GSTSKH Nguyễn Ngọc Trân, ngay từ khi lập dự án các nhà khoa học phản biện dự án kênh Quan Chánh Bố đã yêu cầu đơn vị tư vấn chứng minh rằng luồng Quan Chánh Bố ít bị bồi lắng so với luồng qua cửa Định An để qua đó cho thấy hiệu quả của việc đầu tư dự án này nhưng chưa được đơn vị tư vấn đáp ứng. Thực tế hiện nay tốc độ bồi lắng ở luồng Quan Chánh Bố đang diễn ra rất nhanh, điều đó càng cho thấy nỗi lo của các nhà khoa học ngay tư khi lập dự án là có cơ sở.

“Trong khi đó, kể từ khi có luồng Quan Chánh Bố thì luồng Định An không được Cục Hàng hải đầu tư nạo vét, nhưng theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ trong hai năm 2017, 2018 mỗi năm có hơn 11 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua luồng Quan Chánh Bố và cửa Định An, trong đó hàng hóa qua cửa Định An chiếm khoảng 40%. Như vậy, mặc dù có luồng Quan Chánh Bố nhưng luồng Định An vẫn giữ vị trí quan trọng trong vận chuyển hàng hóa của khu vực. Do vậy, Cục Hàng hải cũng nên xem xét phương án duy tu nạo vét luồng Định An và khai thác luồng này song song với luồng Quan Chánh Bố để đáp tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho ĐBSCL”, GS Trân đề xuất.

Huỳnh Khởi