Quảng Nam: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tuấn Vỹ 07/09/2019 20:54

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu thì hiện dù đã có nhiều chính sách tốt, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng Quảng Nam còn rất nhiều việc phải làm.

Chiều ngày 7/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới.

Di sản văn hóa thế giới Hội An được bảo tồn và phát huy giá trị theo định hướng bảo tồn Khu phố cổ bảo tồn cảnh quan thiên nhiên vùng duyên hải

Di sản văn hóa thế giới Hội An - một điểm đến của du khách tại Quảng Nam cần được bảo tồn và phát huy giá trị theo định hướng bảo tồn Khu phố cổ bảo tồn cảnh quan thiên nhiên vùng duyên hải

Tại Hội nghị, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói rằng trong quá trình thực hiện chúng ta đã có nhiều chính sách tốt, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, hiện Tỉnh còn rất nhiều việc phải làm.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam gợi ý cần phải khắc phục những hạn chế hiện tại về quy hoạch, cần tìm giải pháp nguồn lực để triển khai có hiệu quả. Phải tuân thủ nghiêm ngặt công tác quy hoạch trong thời gian sắp tới. tiếp tục quản lý di sản một cách đúng đắn, bảo tồn di sản một cách hiệu quả nhất trong tương lai. Cùng với việc quản lý và tu bổ thì chúng ta cần phải tạo nguồn lực để phát triển, cùng nhau đẩy mạnh lộ trình xây dựng thành phố Hội An để có không gian phát triển mạnh hơn nữa. Cần kết nối hành trình di sản giữa các địa phương để tạo sợi dây liên kết phát triển giữa các địa phương với nhau.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, nhóm giải pháp quản lý, bảo tồn di sản văn hóa tại Đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Lãnh đạo tỉnh, ngành VH-TT-&DL đã có nhiều chuyến công tác, làm việc với UBND các huyện, thành phố và các Ban quản lý Di sản để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện công tác bảo tồn.

Có thể nói, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị 2 di sản văn hóa thế giới được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, tạo nên sự đồng bộ và lan tỏa xã hội rộng lớn, được sự đồng tình ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh Quảng Nam tuyên dương những địa phương, cá nhân có đóng góp tích cực đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tỉnh Quảng Nam tuyên dương những địa phương, cá nhân có đóng góp tích cực đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Để giữ gìn các di sản văn hóa trước tác động tiêu cực từ môi trường tự nhiên và con người, bảo vệ không gian lịch sử và nhân văn cho di tích, thành phố Hội An có chủ trương mở rộng không gian đô thị ra các vùng phụ cận theo hướng hình thành các khu vực du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Hiện nay tỉnh đã có những giải phảp đúng đắn cụ thể.

Di sản văn hóa thế giới Hội An được bảo tồn và phát huy giá trị theo định hướng bảo tồn Khu phố cổ bảo tồn cảnh quan thiên nhiên vùng duyên hải (sông nước, cồn bãi trên sông, bờ biển và hải đảo), với bảo tồn các làng quê sinh thái, làng nghệ truyền thống và nhất là gắn với những giá trị văn hóa phi vật thể Quảng Nam.

Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian gắn với di sản được phục hồi và phát huy đúng hướng, vừa phục vụ tham quan -  nghiên cứu, vừa đóng góp nội dung cho các sự kiện quốc gia và quốc tế.

Tại Mỹ Sơn cũng đã hình thành một lộ trình tham quan mới với lối ra vào tách biệt nhau, qua đó tạo điều kiện để cho du khách tiếp cận nhiều hơn với các khu tháp và giảm được áp lực du khách đối với di tích vào những giờ cao điểm. Hàng năm, Mỹ Sơn đều tổ chức gặp gỡ với doanh nghiệp du lịch, phối hợp tạo điều kiện cho phóng viên báo chí và quốc tế làm phim quảng bá hình ảnh khu đền tháp.

Tại khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm, sau 10 được công nhận, những tài sản quý giá của Khu DTSQ đã được bảo tồn một cách tích cực. Điêu này được thể hiện thông qua tình trạng phân bổ hệ sinh thái trên cạn và dưới nước.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Các hoạt động vừa qua đã góp phần làm cho hình ảnh các di sản ngày càng được giới thiệu, quảng bá khắp nơi trên thế giới, tạo nên tính độc đáo và sức hấp dẫn thu hút đông đảo du khách tham quan.”

Ông Hồng cũng cho biết hiện nay tốc độ phát triển du lịch ở Hội An đang tăng nhanh, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Lượng du khách đến với Hội An ngày một nhiều, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như trong năm 1999 chỉ có gần 100 nghìn lượt khách đến tham quan thì đến năm 2018 con số ấy đã tăng lên gần 5 triệu. Năm 1999 chỉ có 17 cơ sở lưu trú thì đến cuối năm 2018 đã là 638 cơ sở.

Phát biểu tại Hội Nghị, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “ Vai trò của UNESCO sẽ không giới hạn trong phạm vi của những phát biểu chính thông hay chức năng nhiệm vụ, hay những hỗ trợ về mặt chính sách, để sự hiện diện của UNESCO tại Việt Nam mang nhiều ý nghĩa hơn và hợp tác sâu rộng hơn.”

Tại Hội Nghị, UBND tỉnh đã tổ chức khen thưởng những đại diện lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp du lịch tại địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các di sản thế giới.

Tuấn Vỹ