Nghệ An kêu gọi đầu tư các dự án “khủng” vào TP Vinh
Với vị thế là đô thị loại I, TP Vinh đang hướng tới xây dựng đô thị trung tâm của vùng kinh tế Bắc Trung Bộ nên nhiều chính sách thu hút đặc biệt đang được ưu tiên.
Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhệm vụ phát triển Nghệ An, trong đó có TP Vinh đến năm 2020. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển Tp Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26 mà Bộ Chính trị đặt ra.
Hối thúc TP Vinh phát triển
Hơn 3 năm qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển TP Vinh đến năm 2020, nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội để đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An đã được.
Từ trong quy hoạch mà đề án 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có thể thấy, TP Vinh đã xác định được cực tăng trưởng nằm trong vùng trọng điểm Vinh – thị xã Cửa Lò – các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh.
Đây cũng là những tiền đề nằm trong quy hoạch vùng mà trước đó, vào năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt tại Quyết định 2028/QĐ-TTg. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2030, vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh có tổng diện tích 3.648km2 sẽ bao gồm Tp Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương của tỉnh Nghệ An và thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh.
Như vậy, có thể khẳng định, trong tương lai không xa, Vinh sẽ là đô thị của vùng kinh tế - chính trị - xã hội và là đầu mối giao thông quốc gia về đường sắt, đường bộ, đường hàng không; là trung tâm phân phối, luân chuyển hàng hóa và cung ứng các dịch vụ về thương mại, tài chính, du lịch…của cả Bắc Trung Bộ.
Để cụ thể hóa các mục tiêu nói trên, TP Vinh cũng được chia thành 4 phân vùng, trong đó có 3 phân vùng phát triển đô thị và 1 phân vùng là khu vực liên kế để phát triển đa ngành, đa cực tăng trưởng.
Để đánh giá về những thành tựu cũng như đặt ra nhiệm vụ cho TP Vinh thời gian tới, ngày 20/4/2019, Bộ Chính trị cũng ban hành Thông báo số 55-TB/TW.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều trường mầm non ở Nghệ An tự gắn mác “quốc tế”
09:20, 04/09/2019
Nghệ An siết chặt quản lý thị trường bất động sản
06:00, 20/08/2019
Vì sao quỹ đất dành cho dự án lớn ở Nghệ An hạn hẹp?
00:01, 12/08/2019
Bộ Chính trị ghi nhận, sau hơn 3 năm, TP Vinh đã đạt được tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2018 đạt 8,54%. Giá trị gia tăng đạt 12,31%/năm, chiếm khoảng 25% tổng giá trị gia tăng của tỉnh Nghệ An.
Diện mạo đô thị Vinh đang ngày càng phát triển về mọi mặt, nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, T&T, BRG, FLC, TH, Mường Thanh, VSIP… đã về đầu tư, kiến thiết các công trình mang tầm quốc gia và khu vực.
Xây dựng đầu tàu tăng trưởng của Bắc Trung Bộ
Với việc hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, Vinh đang hướng tới trở thành đô thị hiện đại, thông minh của cả vùng kinh tế Bắc Trung Bộ. Và, với quy hoạch vùng như vậy, Nghệ An đang đưa ra các hành lang pháp lý đặc biệt để thu hút các dự án “khủng” đầu tư vào TP Vinh.
Ông Thái Thanh Quý – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, chỉ đạo và đồng hành cùng thành phố Vinh triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Việc phân cấp, phân quyền cho TP Vinh thực hiện các nhiệm vụ mang tính giải pháp để xây dựng đô thị cũng sẽ được nghiên cứu, bổ sung ban hành.
Đặc biệt, Nghệ An sẽ tập trung thu hút đầu tư cho Tp Vinh tập trung vào 5 lĩnh vực trở thành trung tâm vùng có tính khả thi bao gồm: Du lịch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, công nghệ thông tin.
Đây là những lĩnh vực để sớm đưa Tp Vinh phát triển toàn diện, hiện đại, sớm trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng của các vùng Bắc Trung Bộ như Bộ Chính trị đã đặt ra.
Tại Hội nghị triển khai các nội dung Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Vinh diễn ra vào sáng 8/9, Nghệ An ký kết ghi nhớ 11 dự án hợp tác đầu tư vào thành phố Vinh gồm: Dự án Khu đô thị tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An của Tập đoàn Vingroup, Công ty CP; Dự án Tổ hợp thương mại, du lịch, đô thị Bến Thủy, thành phố Vinh và các dự án phát triển của Công ty CP Tập đoàn T&T; Dự án Khu đô thị tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An của Công ty CP Tập đoàn FLC; Dự án Khách sạn 5 sao tại thành phố Vinh và mở đường bay Quốc tế đến thành phố Vinh của Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel); Dự án Khu đô thị tại thành phố Vinh của Công ty CP Euro Window Holding; Dự án Khu đô thị tại thành phố Vinh của Công ty CP Tập đoàn Tân Á Đại Thành…
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận, trong thời gian qua, việc phát triển TP Vinh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tp Vinh vẫn chưa có nhiều bước phát triển mang tính vượt trội so với các đô thị lớn trong cả nước; Liên kết vùng, miền trong phát triển kinh tế chưa thể hiện rõ; Nhiều dự án đầu tư xây dựng còn mang tính dàn trải, chưa phát huy được hiệu quả; Quy hoạch hạ tầng đô thị còn manh mún, tồn tại nhiều bất cập…
“Tỉnh Nghệ An mong muốn Chính phủ sớm có những cơ chế đặc thù, ưu tiên các nguồn lực để phát triển thành phố Vinh sớm trở thành trung tâm vùng trên các lĩnh vực đã được xác định; quan tâm đầu tư, hỗ trợ các dự án động lực, tạo điểm nhấn cho thành phố Vinh phát triển xứng tầm” – ông Thái Thanh Quý nói.
Tại Hội nghị triển khai các nội dung Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Vinh được UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào ngày 8/9, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận những kết quả mà TP Vinh đã đạt được trong hơn 3 năm qua.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ ra nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đang dở dang, chưa thực hiện được như kỳ vọng.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Nghệ An và thành phố Vinh cần hoàn thiện quy hoạch, định hướng, xây dựng thành phố Vinh trong tổng thể quy hoạch của tỉnh và của vùng trên cơ sở liên kết Vinh - Cửa Lò - Cửa Hội, Vinh với Bắc Hà Tĩnh như quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.
"Đặc biệt, TP Vinh thực sự phải đi đầu trong việc xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử, công nghệ số" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu.
Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Nghệ An và Tp Vinh cần hành động mãnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong điều hành, đổi mới sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, sớm vận dụng, tìm giải pháp tối ưu để đáp ứng với xu hướng của nền kinh tế năng động trong bối cảnh hiện nay.
“Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.