Hải Phòng: Cần tạo cơ chế cho doanh nghiệp xử lý rác
Các doanh nghiệp xử lý rác thải TP Hải Phòng kiến nghị thành phố cần sớm quy định đơn giá cụ thể cho việc xử lý rác thải ở ngoại thành.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TNMT Hải Phòng, phần lớn các doanh nghiệp được thành phố giao nhiệm vụ vận hành lò đốt rác thải ở ngoại thành hoạt động rất khó khăn vì công nghệ lò đốt lạc hậu, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận trung bình tại các lò đốt quy mô rất nhỏ, chỉ 8 tấn/ngày. Trong khi, cơ sở vật chất lò đốt rác thải được đầu tư lâu ngày không cải tạo nên xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết doanh nghiệp xử lý rác thải ở ngoại thành hiện nhận hỗ trợ thỏa thuận với xã theo hình thức khoán, không theo khối lượng rác xử lý thực tế.
Do đó, ông Trần Chí Đức - Giám đốc Công Phú Hưng kiến nghị, TP Hải Phòng cần sớm quy định đơn giá cụ thể cho việc xử lý rác thải ở ngoại thành mới khuyến khích được doanh nghiệp yên tâm hoạt động. Bởi nếu không có đơn giá cụ thể cho doanh nghiệp xử lý rác thải, khó doanh nghiệp nào hoạt động có lãi. Thậm chí, có doanh nghiệp chỉ làm được thời gian ngắn, phải bù lỗ sẽ tự bỏ nghề.
Được biết, tháng 1/2019 UBND huyện Thủy Nguyên đã hợp đồng với Công ty Phú Hưng vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn với giá 2,8 triệu đồng/chuyến xe 8 tấn. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp thì họ việc thu gom với giá trên thì họ đang lỗ, doanh nghiệp đang phải làm công ích cho huyện Thủy Nguyên.
Trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hứa – Phó Giám đốc Công ty Phú Hưng cho biết, nếu không có kinh phí thì không thể vận chuyển và xử lý được. Hiện tại, với mức phí 2,8 triệu đồng/xe 8 tấn là doanh nghiệp đang hỗ trợ các xã và huyện. Với mức thu như thế, doanh nghiệp đang lỗ.
Dự kiến tới, giá vận chuyển, xử lý rác thải tăng lên 3,5 triệu đồng/chuyến xe chở 8 tấn rác. Với việc tăng giá này, lãnh đạo UBND xã Thủy Đường cho biết, mức giá 2,8 triệu đồng/xe xã đã không đủ kinh phí để trả thì việc tiếp tục tăng càng làm khó địa phương. Trước tình trạng này, UBND xã Thủy Đường đã tổ chức họp với đại diện các thôn, dự kiến tăng mức thu phí. Tuy nhiên, người dân không đồng tình.
Còn theo đại diện UBND xã Tân Dương, địa phương được UBND huyện hỗ trợ 120 triệu đồng/năm phục vụ công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ chi trong 6 tháng.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập vệ sinh môi trường tại Đà Nẵng: Kỳ 1 - Tại sao công tác thu gom rác không hiệu quả?
00:00, 20/05/2019
TP HCM tăng phí thu gom rác, người dân nói gì?
12:00, 25/10/2018
Nhọc nhằn nghề thu gom rác thải dân sinh
11:02, 05/10/2018
Đối với xã Thủy Đường, rác là do xã tự thu gom, doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển và xử lý. Cứ khi nào xã có nhu cầu, có kinh phí thì công ty cho xe đến chở rác đi xử lý. Đối với Tân Dương, công ty vừa ký hợp đồng với UBND xã vào ngày 1/4. Nhưng xã Tân Dương không bố trí được ga tập kết rác nên rác không biết để đâu. Cho nên việc chọn địa điểm để xe rác rất khó khăn, để ở đâu cũng bị người dân chửi mắng, thậm chí họ còn đẩy cả xe thu gom rác xuống ruộng. "Khó khăn nữa là người dân Tân Dương không chịu đóng phí, xã có 10.000 dân thì chỉ có 3.000 dân đóng. Gần 2 tháng nay, xã vẫn chưa trả 1 đồng vận chuyển nào cho phía công ty". – ông Hứa cho biết.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xử lý rác thải ở ngoại thành theo hướng chôn lấp đề nghị chính quyền địa phương hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo điều kiện về kinh phí hoạt động. Các xã quy hoạch các bãi rác tạm phải bảo đảm quy mô, diện tích để có thể xử lý lượng rác ngày càng lớn. Doanh nghiệp cũng mong muốn được người dân hợp tác thông qua việc phân loại từng loại rác thải đầu nguồn sau đó tự ủ rác thải hữu cơ, chỉ đổ rác thải rắn và rác thải nhựa để thu gom đem đi xử lý. Với cách hợp tác này, sẽ giảm tải lượng rác thải cho doanh nghiệp phải xử lý. Về phía doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ cách thức ủ phân hữu cơ, đồng thời cung cấp hóa chất vi sinh giúp người dân ủ phân hữu cơ hiệu quả.
Một số doanh nghiệp khác bày tỏ mong muốn thành phố sớm có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong quản lý, vận hành. Nếu vẫn sử dụng công nghệ cũ, tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thành phố khảo sát, nếu công nghệ cũ không còn phù hợp, đề nghị đầu tư công nghệ mới áp dụng cho các lò đốt rác.