“Nâu” sang “xanh” hay ngược lại?
Có tiềm năng, lợi thế về cảnh quan nhưng Quảng Ninh chỉ thật sự đột phá về kinh tế, du lịch khi chủ trương phá bỏ thế độc tôn của than với sự chuyển đổi gam mầu từ “nâu” sang “xanh” được thực hiện.
Tháng 9/2013, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XII đã thông qua nghị quyết chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Than sẽ phải nhường chỗ cho một ngành kinh tế khác với tiềm năng lớn hơn, bền vững hơn nhiều đó là du lịch.
Quảng Ninh muốn phá bỏ vị thế độc tôn của than thì phải tìm cách hút được nguồn lực khổng lồ của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Và người Quảng Ninh đã nhận ra, ngoài lợi thế cảnh quan thì sự thuận tiện giao thông cũng hết sức “lợi hại” trong việc thu hút các nhà đầu tư nên trong những năm qua người ta đã chứng kiến cú đột phá mạnh trên lĩnh vực này.
Đến nay, nguồn vốn xã hội hóa qua các dự án BT, BOT… mà Quảng Ninh đã huy động được lên tới trên 30 ngàn tỷ đồng với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư. Trong đó phải kể đến nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Sun Group, với gần 7.500 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh. Các nhà đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, Hạ Long -Vân Đồn với số vốn bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng.
Những công trình giao thông xuất hiện đã dẫn một dòng vốn khổng lồ đổ về Quảng Ninh. Sự có mặt của các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, CEO... Hàng loạt công trình đẳng cấp ra đời đã đưa du lịch Quảng Ninh đứng top đầu cả nước về số lượng khách du lịch trong những năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh vẫn đang thiếu doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo
05:00, 08/10/2019
Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước
15:27, 02/10/2019
Quảng Ninh áp dụng biên lai điện tử thay thế biên lai giấy trong thu phí xuất nhập cảnh
16:57, 01/10/2019
Những ngày này, rất nhiều người đến Quảng Ninh đã thốt lên: Quảng Ninh bây giờ thay đổi nhanh quá, ngày càng hấp dẫn hơn. Nhưng mặt trái của sự thay đổi đó cũng đặt ra những điều đáng suy nghĩ.
Xu hướng đô thị hóa đang lan rộng rãi với cơn sốt đất đai trong nhiều trường hợp đã phá hỏng cảnh quan, làm biến mất các di tích, phá vỡ nhiều mối quan hệ tự nhiên. Quần thể rừng đặc dụng Bãi Cháy rất cần cho cảnh quan và môi trường đang dần biến mất, rừng đặc dụng Hùng Thắng đang co lại đáng kể nhường chỗ cho những dự án phân lô bán nền biệt thự, căn hộ liền kề.
Những cánh rừng ngập mặn xanh tốt có tác dụng ngăn sóng, làm sạch môi trường nước biển rất cần thiết cho việc bảo vệ, gia tăng giá trị di sản và là“ căn cứ” lí tưởng cho các loài tôm, cá, nhuyễn thể sinh sôi, phục vụ đặc sản cho nhu cầu thực phẩm của người dân và khách du lịch đang bị đe dọa, biển nhiều chỗ bị san lấp.. cho sự ra đời của những “siêu dự án”.
Như vậy, nỗ lực chuyển từ “nâu” sang “xanh” để bảo vệ tài nguyên, môi trường và sự bền vững của Quảng Ninh dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu cao nhất. Bởi những “cuộc san bằng tất” đang lan rộng với quy mô lớn như hiện nay và dường như chưa có dấu hiệu dừng ở nhiều nơi, trong đó có việc, hàng ngàn ha rừng ngập mặn ở thị xã Quảng Yên, ở phường Đại Yên, TP. Hạ Long đang nằm trong tầm ngắm san lấp để làm dự án.
Tài nguyên, cảnh quan vẫn bị phá vỡ. Màu xanh ít đi, bê tông nhiều hơn. Điều đó khiến nhiều người giật mình tự hỏi: Đây là cuộc dịch chuyển từ “nâu” sang “xanh” hay “xanh” sang “nâu”?