Đập thủy điện giết chết sông Mê Công!
Các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sẽ là những “quả bom” nước trong mùa lũ và gây kiệt quệ nước ở hạ nguồn trong mùa khô, ảnh hưởng đến sinh kế hàng chục triệu người dân châu thổ Cửu Long.
Đó là lời cảnh báo của nhiều chuyên gia môi trường.Chính vì những hệ lụy của nó, nên đúng vào thời điểm Chính phủ Lào đã bắt đầu quá trình tham vấn trước đối với dự án đập Luang Prabang (8/10/2019) - đập thứ 5 trên sông Mê Công: Liên minh Cứu sông Mê Công đã phát đi thông điệp kêu gọi: “Hãy hủy bỏ đập Luang Prabang và các đập dòng chính được lên kế hoạch khác. Thay vì bắt tay vào một quy trình tham vấn trước còn thiếu sót, chúng tôi thúc giục các chính phủ hạ nguồn Mê Công và Ủy hội sông Mê Công (MRC) giải quyết những mối quan ngại còn tồn tại về tác động của các đập dòng chính và thực hiện đánh giá toàn diện các lựa chọn để nghiên cứu giải pháp thay thế”.
Không nên vì lợi ích cục bộ của quốc gia hưởng lợi
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết, sông Mê Công nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, sinh kế của hàng chục triệu người dân trong lưu vực. Với Việt Nam, dòng sông này đã mang phù sa bồi đấp hàng năm cho 4 triệu ha và mang về nguồn nước ngọt, nguồn lợi thủy sản đảm bảo sinh kế cho 20 triệu dân. Khi các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đi vào khai thác thì dự báo sản lượng thủy sản sẽ giảm 60%, mùa khô nước càng khô kiệt vì các đập trữ nước phát điện, thiếu phù sa bồi đấp sẽ làm đất đai bạc màu và sụt lún nhanh hơn, nước biển xâm nhập sâu hơn.
Khi các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đi vào khai thác thì dự báo sản lượng thủy sản sẽ giảm 60%, đất đai bạc màu và sụt lún nhanh hơn, nước biển xâm nhập sâu hơn.
Theo MRC, nếu được thực hiện, đập Luang Prabang sẽ kết hợp với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay, hoàn thành việc chuyển đổi sông Mê Công ở toàn bộ vùng Bắc Lào thành một chuỗi hồ nước theo bậc biến dòng sông thành con kênh phát điện dẫn đến thiệt hại lớn và không thể đảo ngược đối với sức khỏe và năng suất của dòng sông.
Có thể bạn quan tâm
Canh cánh nỗi lo “thủy điện”
11:00, 26/08/2019
Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, xử lý sự cố tại 2 nhà máy thủy điện ở Đắk Nông
18:15, 12/08/2019
Sau bão nhiều hồ thủy điện vẫn "mắc cạn"
13:13, 08/08/2019
PV Power không nên tham gia vào đập Luang Prabang
Thông cáo báo chí của tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phát đi vào ngày 10/10, cho biết theo bản đệ trình tham vấn của Chính phủ Lào về dự án thủy điện Luang Prabang, thủy điện Luang Prabang có công suất 1.410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang (Lào) 30 km. “Trong dự án này, PV Power của Việt Nam sẽ tham gia 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%”.
PV Power, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là nhà phát triển chính của đập Luang Prabang. Sự tham gia của một công ty quốc doanh Việt Nam vào thủy điện trên dòng chính sông Mê Công là mâu thuẫn với những lo ngại về những hệ lụy của dự án này đã được Chính phủ Việt Nam nêu lên tại nhiều diễn đàn về hợp tác quốc tế về nước.
“Do đập Luang Prabang sẽ làm trầm trọng thêm các tác động trên sông Mê Công và đồng bằng sông Cửu Long, nên đề nghị Chính phủ Việt Nam không cho phép PV Power tham gia vào dự án này” - VRN kiến nghị.
Trước đó, các quy trình tham vấn trước cho 4 đập chính tại Lào: Xayaburi (2010-2011), Don Sahong (2014-2015), Pak Beng (2016-2017) và Pak Lay (2018-2019) –dù không giải quyết được các lo ngại về tác động môi trường nhưng vẫn được đầu tư.
Trong khi theo nghiên cứu của MRC cho biết, Lào có kế hoạch xuất khẩu 11.739 MW điện sang Thái Lan vào năm 2040, nhưng Thái Lan cho biết họ sẽ chỉ mua 4.274 MW. Mức chênh lệch gần 7.500 MW này lớn hơn công suất lắp đặt của cả 7 đập thủy điện trên dòng chính được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng ở Lào. Như vậy, Lào cần gì mà phải vội vàng đầu tư hàng loạt nhà máy thủy điện trên dòng Mê Công?