Doanh nghiệp gạch “đói” đá xít, ngành than đổ đi
Hiện nay, năng lực sản xuất gạch trên địa bàn Quảng Ninh mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu. Giá thành sản xuất gạch tại Quảng Ninh tương đối cao do nguồn đất sét dần cạn kiệt.
Theo định hướng phát triển trong những năm tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành xây dựng nhiều công trình lớn, do đó nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ rất lớn, trong đó có gạch, ngói.
Năm 2011, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – TKV đã triển khai thành công đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng của nguồn đá xít thải từ các nhà máy tuyển than”, áp dụng kết quả nghiên cứu đã sản xuất thử và đưa vào sử dụng trong xây dựng hơn 23.000 viên gạch từ nguồn xít thải của các nhà máy tuyển than Cửa Ông và Hòn Gai. Kết quả kiểm nghiệm và sử dụng đã cho thấy, sản phẩm đạt chất lượng tương đương so với gạch nung từ đất sét. Việc nghiên cứu thành công sản xuất gạch nung từ đá xít thải tưởng như mở ra một hướng tái sử dụng chất thải xít. Nhưng không, một sự lãng phí lớn đang diễn ra.
Hàng năm, sản lượng khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sản xuất khoảng 42 triệu tấn than/năm. Tỷ lệ thu hồi than sạch khoảng từ 85 – 87% tức là toàn ngành Than thải ra khoảng từ 6 -7 triệu tấn đá xít/năm, trong đó chứa khoảng 5-8% than sạch.
Số lượng lớn này đã ngốn một nguồn quỹ đất khổng lồ để làm bãi đổ thải, ngoài ra, xít than còn được dùng san lấp biển gây lo ngại về môi trường. Đặc biệt là Công ty Tuyển than Cửa Ông mỗi năm sàng tuyển ra khoảng 2 triệu tấn xít, bãi xít của đơn vị này những năm qua cũng luôn là khu vực nóng về tận thu than không phép. Nhưng đáng ngại hơn là “bức tử môi trường”.
Có thể bạn quan tâm
“Thế cờ” khó về nhân lực khai thác ngành Than cần “lời giải”?
14:30, 26/09/2018
TKV "mắc cạn" tại Khu Kinh tế Hải Hà
15:47, 09/09/2019
Chính phủ tháo gỡ khó khăn chồng lấn khu vực khai thác than cho TKV
19:33, 03/09/2019
Tại vùng biển vịnh Bái Tử Long (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) tồn tại một bãi tập kết đá xít của Công ty tuyển than Cửa Ông –TKV ‘‘khổng lồ” có diện tích lên đến 300.000 m2 cao từ 7,5 đến 8 mét. Thời gian gần đây nhằm giải quyết sự quá tải, đơn vị này đã cho đổ xít ra khu vực Bái Tử Long để san lấp xây dựng Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh. Điều này đã gây ra những lo ngại về môi trường Vịnh.
Dù vậy, số lượng xít than thải ra vẫn quá lớn. Đó là lý do mà TKV đang dự kiến xây dựng dự án lên tới 130 tỷ để vận chuyển xít thải của Tuyển than Cửa ông đổ ngược lại khai trường mỏ. Nếu được xây dựng, rõ ràng đây là dự án gây lãng phí ngân sách, bởi rất nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch sẵn sàng mua lại tạo ra sản phẩm tăng nguồn thu cho ngân sách. Một cách làm hiệu quả như vậy tại sao lại không khả thi?
Theo tìm hiểu của phóng viên DĐDN, nguyên nhân nguồn xít thải không được mua bán tại Quảng Ninh là do tỉnh này lo ngại việc nhập nhèm giữa than và xít. Tỉnh này lo ngại xít bị lợi dụng để một số đối tượng tuồn than trái phép ra ngoài gây mất mát tài nguyên.
(Kỳ tiếp: Doanh nghiệp gạch ngói kêu cứu)