Tiền Giang: Doanh nghiệp là “hạt nhân” tái cơ cấu nông nghiệp
Với hạt nhân tiên phong là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác,
Tiền Giang đã và đang xây dựng vùng nguyên liệu trái cây đặc sản đạt chuẩn chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính, vực tiềm năng kinh tế vườn ở địa phương phát triển.Số liệu thống kế cho thấy, 9 tháng 2019, toàn tỉnh có 99.241 ha trồng cây lâu năm, tăng 5% tương ứng tăng 4.727 ha so với cùng kỳ năm trước, diện tích tăng chủ yếu ở các loại cây: hồng xiêm 806 ha, thanh long 1.793 ha, bưởi 296 ha… và cây dừa 77 ha; sản lượng thu hoạch ước 1,3 triệu tấn, tăng 3,7% so cùng kỳ. Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như xử lý cho trái vụ tránh tình trạng được mùa rớt giá giúp bà con nông dân bán được giá cao.
Tăng cường liên kết
Hiện tại, tỉnh đã xây dựng được vùng nguyên liệu xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chí VietGAP khoảng 100 ha gắn với Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ xoài tại Hợp tác xã Hòa Lộc (huyện Cái Bè). Thông qua mô hình, hàng năm, hợp tác xã hợp đồng cung cấp từ 100 đến 150 tấn xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Công ty Hachando để xuất khẩu đi Nhật Bản.
Đối với cây thanh long, tỉnh đã xây dựng được 3 mô hình liên kết - tiêu thụ thanh long VietGAP, GlobalGAP tại các doanh nghiệp: Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo), Công ty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo) và Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (TP. Mỹ Tho).
Tại Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An đã xây dựng vùng nguyên liệu 30 ha đạt chứng nhận GlobalGAP liên kết với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cung ứng sản phẩm và đóng gói xuất khẩu theo yêu cầu sang nhiều nước: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan,… với sản lượng mỗi tháng từ 40 đến 60 tấn.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Long Việt cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu thanh long sản xuất theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP trên diện tích khoảng 130 ha. Hàng năm, doanh nghiệp có thể cung cấp từ 3.000 đến 4.000 tấn thanh long sạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Châu Âu,…
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 của ngành nông nghiệp Tiền Giang đạt 3,6%, trong khi tăng trưởng bình quân nông nghiệp cả nước chỉ đạt 2,55%.
Đặc biệt, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã xây dựng vùng nguyên liệu thanh long đạt chuẩn GlobalGAP hàng trăm ha, gắn kết nhà máy đóng gói đạt chuẩn, hệ thống kho mát hiện đại với sức chứa 2.000 tấn và nhà máy xử lý nhiệt hơi nước cho trái cây tươi… đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trái cây tươi cho các thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc,…
Vài năm gần đây, Tiền Giang đã triển khai mô hình liên kết sản xuất - xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có tiềm lực lớn: Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đại Lâm Mộc…
Tương tự, cây bưởi da xanh cũng có mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ bưởi da xanh ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho được hình thành từ năm 2016. Thông qua mô hình, trung bình mỗi năm có 400 tấn bưởi da xanh ở vùng chuyên canh Tân Mỹ Chánh được cơ sở Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre) bao tiêu.
Mở rộng thị trường
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã có những chuyển hướng tích cực. Nhất là liên quan đến công tác quy hoạch; xây dựng vùng chuyên canh và chuỗi ngành hàng; chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; mở rộng thị trường; triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ hay thu hút đầu tư, nguồn lực phát triển nông nghiệp… Qua đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 của ngành nông nghiệp Tiền Giang đạt 3,6%, trong khi tăng trưởng bình quân nông nghiệp cả nước chỉ đạt 2,55%.
Nhằm mở rộng, tìm kiếm thị trường ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và mang lại kết quả tích cực: Trái vú sữa Lò Rèn vào thị trường Hoa Kỳ; trái xoài cát Hòa Lộc được sử dụng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines mở ra cơ hội lớn cho việc quảng bá trái cây đặc sản của Tiền Giang đến khách hàng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất nông sản an toàn của tỉnh tiếp cận với thị trường TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo, liên kết với các doanh nghiệp của các tỉnh, thành và tiếp cận hệ thống phân phối như các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng phân phối nông sản an toàn…
Tiêu chuẩn hóa sản phẩm địa phương Để đảm bảo tuân thủ các quy định của châu Âu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu số lượng lớn, hiện tại Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xuất khẩu của Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung nắm bắt các quy định của (EU) 2019/523. Ngoài ra, Cục cũng hướng dẫn người sản xuất tại vườn trồng đã đăng ký mã số vườn trồng xuất khẩu và kiểm soát ruồi đục quả tại các vườn trồng, nhà máy đóng gói, xử lý kiểm dịch thực vật các lô hàng nông sản để đáp ứng được các quy định của EU. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Cùng với các chương trình đã triển khai thành công, Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020 của tỉnh Tiền Giang vừa được triển khai hướng tới đa mục tiêu, trong đó tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn quốc gia; có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh... Trước mắt, Chương trình OCOP Tiền Giang tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm chủ lực hiện có trên địa bàn như: xoài cát Hòa Lộc; sầu riêng và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng; khóm tươi, mứt khóm; vú sữa Lò Rèn; thanh long Chợ Gạo… “Để phát triển chuỗi liên kết sản xuất và khuyến khích hợp tác, tiêu thụ nông sản, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, ngành nông nghiệp Tiền Giang xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất tập trung, từ đó nông dân tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất với doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất như câu lạc bộ, tổ liên kết, HTX; trang trại, hình thành liên kết giữa tổ chức của người sản xuất với doanh nghiệp nhằm mở rộng quy mô sản xuất chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ..), chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững.”- ông Mẫn chia sẻ. Nam Trang |