Quảng Ninh: Loay hoay "chặn" đánh bắt tận diệt

Lê Cường 28/10/2019 05:00

Mặc dù đã có nhiều biện pháp mạnh, nhưng hoạt động đánh bắt thủy sản tại Quảng Ninh vẫn diễn ra phức tạp, tái diễn tình trạng đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt.

Tại vùng biển Móng Cái, thời gian gần đây đang tái diễn tình trạng đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt khá nghiêm trọng.  Anh Trần Văn Vương, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái cho biết, tại khu vực này luôn có hàng chục tàu khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt. Hoạt động này diễn ra cả ban ngày và ban đêm. Điều khó hiểu là không thấy có lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý...

Ông Hứa Văn Gái, ngư dân ở xã Vĩnh Thực nói, chỉ khi chúng tôi báo thì lực lượng chức năng có mặt, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra thì các tàu đánh bắt kiểu tận diệt không hoạt động, tuy nhiên, sau kiểm tra thì đâu lại vào đấy.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Móng Cái, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 41 vụ vi phạm trong khai thác thủy sản; tịch thu 12 giã cào, 9 kích điện, 200m dây điện, 110m ống dẫn khí, 3 kính lặn, 4 bình ắc quy, 2 đèn pin, 1 bình nén khí; hoàn trả môi trường hơn 300kg ốc điếu. 

Lực lượng chức năng bắt giữu tàu đánh bắt trái phép tại Hải Hà. Ảnh Hữu Việt

Lực lượng chức năng bắt giữu tàu đánh bắt trái phép tại Hải Hà. Ảnh Hữu Việt

Có thể bạn quan tâm

  • Hạ Long (Quảng Ninh): Tiếng kêu cứu từ rừng ngập mặn

    Hạ Long (Quảng Ninh): Tiếng kêu cứu từ rừng ngập mặn

    10:30, 20/10/2019

  • Tiếng kêu cứu từ sinh vật biển Kỳ I: Những cuộc đánh bắt mang tên “tận diệt”

    Tiếng kêu cứu từ sinh vật biển Kỳ I: Những cuộc đánh bắt mang tên “tận diệt”

    10:00, 01/11/2018

  • Tiếng kêu cứu của sinh vật biển (KỲ II): NGƯ DÂN VỀ ĐÂU?

    Tiếng kêu cứu của sinh vật biển (KỲ II): NGƯ DÂN VỀ ĐÂU?

    06:00, 04/11/2018

  • Tiếng kêu cứu từ “cá ngừ”

    Tiếng kêu cứu từ “cá ngừ”

    05:00, 17/03/2019

Riêng trong tháng 9/2019, các đơn vị chức năng đã xử lý 8 vụ vi phạm/12 đối tượng, phạt vi phạm hành chính 178,3 triệu đồng, tịch thu 2 kích điện, 1 bình ắc quy, 1 súng bắn điện, 50m dây điện, 50m ống dẫn khí, 1 bình nén khí. UBND xã Vạn Ninh đã lập biên bản 110 trường hợp vi phạm lấn chiếm bãi triều nuôi nghêu, ngao; trong đó có 87 hộ dân lấn chiếm bãi triều thôn Nam (xã Vạn Ninh) với diện tích 115ha, 23 trường hợp lấn chiếm bãi triều khu cửa sông Ka Long giáp ranh phường Bình Ngọc (xã Hải Xuân).

Không chỉ riêng Móng Cái, mới đấy ngày 26/10 lực lượng chức năng huyện Hải Hà đã bắt giữ 2 phương tiện tàu đánh bắt thủy sản trái phép. Trước đó, ngày 21/10 huện này cũng đã thu giữu hơn 100 lồng bát quái dùng để đánh bắt thủy sản trái phép, đây là công cụ đánh bắt có có khả năng tận diệt rất cao.

Tính trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh, trong tháng 9, số vụ vi phạm bị xử lý là 105 vụ (tăng 23,5%), với số tiền thu phạt trên 1,38 tỷ đồng (tăng 30%) so với tháng 8/2019.  Tính từ 1/1/2018 đến hết tháng 9/2019 có 48 trường hợp ngư dân tái phạm từ lần thứ 2 trở lên. Chỉ tính trong tháng 9 năm nay có 4 trường hợp ngư dân tái diễn hành vi vi phạm, trong đó, có 1 trường hợp ngư dân TX Quảng Yên với lỗi tái phạm về giấy tờ, sổ sách tàu, còn lại 3 trường hợp ngư dân tỉnh ngoài tái phạm hành vi sử dụng, tàng trữ ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Sẽ xử lý hình sự?

Mặc dù, tình Quảng Ninh đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép, trong đó có việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, nhưng vì sao vẫn không thành công?

Chèo đò là nghề hiếm hoi thích ứng với việc chuyển đổi nghề của ngư dân. Ảnh Lê Cường

Chèo đò chở du khách ngắm vịnh là nghề hiếm hoi thích ứng với việc chuyển đổi nghề của ngư dân. Ảnh Lê Cường

Chị Nguyễn Thị Mến, khu tái định cư làng chài Hà Phong cho biết, công việc thu nhập thấp, chỉ vài 3 triệu đồng, trong khi đó nơi làm việc lại rất xa. Trong khi đó, đi biển, có ngày chúng tôi đánh bắt cho thu nhập vài triệu bạc mà lại không phải đi lại xa xôi cũng như gò bó giờ giấc như vậy.

Bà Lê Thị Loan, phường Hà Phong, TP. Hạ Long trải lòng: “Bọn tui ít chữ, viết tên mình còn chưa xong thì đi đâu làm được. Học hành tiếp thu cái mới rất khó khăn, cái sự học hành ấy có lẽ chỉ tốt và dành cho con em chúng tôi”.

Đúng là việc chuyển đổi đối với những người đã gắn bó gần như cả cuộc đời với biển là rất khó khăn, cũng như bà Loan nói, việc đó chỉ có thể dành cho con em của họ - điều này đồng nghĩa với một lộ trình dài lâu.

Được biết, trước mắt nhằm bảo vệ thủy hải sản khỏi những cuộc đuổi bắt tận diệt, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm tra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ninh đã có kiến nghị xem xét, xử lý hình sự đối với một số trường hợp tái phạm các lỗi về sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản. Đây có thể coi là một trong những động thái cứng rắn của tỉnh Quảng Ninh nhằm giải cứu những sinh vật biển trong thời gian tới.

Lê Cường