Festival Hoa Đà Lạt 2019: Kiên quyết xử lý nạn “cò du lịch”
Kiên quyết chỉ đạo xử lý nạn “cò du lịch” và các hành vi tiêu cực khác làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.
Đây là khẳng định của ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, Trưởng ban tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII – năm 2019 trước báo giới trong buổi họp báo diễn ra sáng 22/11 tại Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, Festival hoa Đà Lạt 2019 diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 20 – 24/12) tại thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng.
Với chủ đề “Đà Lạt và Hoa”, đây là lễ hội văn hóa du lịch đặc sắc mang tầm quốc gia và quốc tế, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là thương hiệu lễ hội riêng của thành phố Đà Lạt.
Lễ hội Hoa Đà Lạt có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị của hoa và ngành hoa, thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Ông San cho biết, Festival Hoa Đà Lạt lần này có 12 chương trình lớn và đặc sắc, trong đó, có 09 chương trình diễn ra tại Đà Lạt, gồm: Lễ khai mạc với chủ đề “Đà Lạt và Hoa” và 05 làng hoa của Đà Lạt; Hội thảo thúc đẩy liên kết sản xuất rau, hoa Đà lạt, công nghệ cao Đà Lạt - Lâm Đồng; Trưng bày triển lãm hoa, cây cảnh quốc tế năm 2019 gắn với các hội thi “Hội tụ sắc màu Lan”... có sự tham của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…; Hội chợ triển lãm thương mại quốc gia Festival Hoa Đà Lạt năm 2019; Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam – Hàn Quốc với chủ đề “Bốn mùa Hoa”; Tọa đàm “Hướng đến xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị di sản” và chương trình nghệ thuật kết hợp hội họa “Phố Bên Đồi 2019 - Vào miền nghệ thuật”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp bế mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ VIII – năm 2019....
Bên cạnh đó, tuần văn hóa Trà và Tơ lụa Bảo Lộc với chủ đề “Lung linh đêm hội B’Lao”; Trình diễn thời trang tơ lụa Bảo Lộc “Bay cao - Vươn xa”; Các hội thảo về ngành trà, lụa tơ tằm gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Bảo Lộc. Ngoài ra, Festival Hoa Đà Lạt 2019 còn có hơn 30 chương trình hưởng ứng, chương trình phụ khác, do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia.
“Điểm mới tại Festival Hoa lần này là tiểu cảnh theo chủ đề từng ngày trên mặt hồ Xuân Hương và ở khu vực xung quanh hồ Xuân Hương (trong đó có không gian hoa Tulip trên mặt hồ Xuân Hương do huyện Tean - Hàn Quốc thực hiện để tặng nhân dân và du khách đến với Lễ hội)…” ông San nói.
Có thể bạn quan tâm
20-24/12: Festival Hoa Đà Lạt lần VIII năm 2019
09:01, 25/10/2019
Vietjet đồng hành cùng cùng Festival Hoa Đà Lạt lần 6 năm 2015
16:10, 05/01/2016
Khởi động tour “Festival Hoa Đà Lạt 2012”
00:00, 08/12/2011
Festival hoa Đà Lạt 2007: Chờ... đường thông?
00:00, 14/12/2007
Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng cho hay, ngay từ đầu năm nay, Sở đã làm việc với các cơ sở lưu trú, các điểm đến, các công ty du lịch để bảo đảm cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ lưu trú cho du khách. Bên cạnh đó là đẩy mạnh các dịch vụ, tour du lịch mới chủ đề canh nông hoặc chuyên về hoa để tạo sự mới lạ, ngoài những điểm đến truyền thống.
“Nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đăng ký các sản phẩm mới như du lịch thể thao mạo hiểm, sinh thái, du lịch canh nông tại 32 điểm” bà Nguyên nói.
Cũng theo ông San, để tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan, ngay từ đầu năm tỉnh đã chủ động chỉ đạo đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch…, triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; chỉ đạo đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, tỉnh thường xuyên và kiên quyết chỉ đạo xử lý nạn “cò du lịch” và các hành vi tiêu cực khác làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.
“Chúng tôi xử lý rất cương quyết, công khai. Hiện chúng tôi đã ứng dụng thành phố thông minh, trực tuyến phản ánh đầy đù thông tin từ quán ăn, khách sạn, nhà hàng… Đồng thời tiến hành lắp đặt hệ thống camera theo dõi ở khắp các khu vực diễn ra lễ hội, khi phát hiện vụ việc sẽ giao công an xử lý nghiêm đúng pháp luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng vẫn là ý thức, nên những năm qua chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến về ý thức trách nhiệm bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tới người dân…” ông San khẳng định.
Được biết, với 1.859 cơ sở lưu trú với khoảng 24.000 phòng, sức chứa hơn 70.000 người/ngày, tăng hơn 500 cơ sở lưu trú so với năm 2018, về cơ bản Đà Lạt có thể đáp ứng được dự kiến nhu cầu lưu trú hơn 300 nghìn lượt du khách trong dịp Lễ hội.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng “chặt, chém” du khách, Ban tổ chức yêu cầu các khách sạn, cơ sở lưu trú… đăng ký với cơ quan chức năng và cho phép có thể tăng gấp đôi so với bình thường, nhưng các cơ sở lưu trú phải niêm yết giá rõ ràng, thông báo với khách ngay từ đầu.