Tiền Giang: Sức bật từ “hạ tầng mềm”
Xây dựng chính quyền điện tử nhằm tạo ra thay đổi căn bản trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, Tiền Giang đã tạo “hạ tầng mềm” phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo công bố mới đây, Tiền Giang xếp hạng 5 về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam năm 2019 (Vietnam ICT Index). Đây là đánh giá, xếp hạng do Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng Hội Tin học Việt Nam phối hợp thực hiện.
Chính quyền điện tử
Như vậy, Tiền Giang đã tăng 2 bậc so với năm 2018 và là tỉnh dẫn đầu về Chỉ số ICT Index 2019 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ một tỉnh nằm trong nhóm cuối của bảng xếp hạng, chỉ trong ít năm, Tiền Giang đã vươn lên tốp đầu. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong việc đẩy mạnh phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên ứng dụng CNTT, tăng cường đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và nhất là lộ trình xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử tiến đến chính quyền số trong tương lai.
Theo quy hoạch Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Thông tin tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyêt, đến năm 2020, Tiền Giang cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng Chính quyền điện tử; từng bước xây dựng thành phố Mỹ Tho trở thành thành phố thông minh của Tỉnh; tiếp tục giữ vững thứ hạng khá về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài mục tiêu chính nêu trên thì Tiền Giang cũng đặt các mục tiêu khác như: ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, góp phần quan trọng trong việc cải cách hành chính, hiện đại, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản hoàn thiện, nguồn nhân lực công nghệ thông tin phát triển đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Cụ thể, đến năm 2020: 100% cán cán bộ công chức cơ quan nhà nước được cấp và sử dụng hộp thư điện tử trong công việc. Cổng dịch vụ công của Tỉnh tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các sở, ngành, địa phương; cung cấp được 70% dịch vụ công cơ bản mức độ 3 và 30% dịch vụ công mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp kết nối Internet và sử dụng hệ thống thư điện tử phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; 100% cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước các cấp được trang bị máy tính phục vụ tác nghiệp; 100% trường tiểu học trang bị phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn tin học; 100% cơ quan nhà nước cấp sở, ban, ngành, huyện có cán bộ phụ trách và cán bộ lãnh đạo phụ trách công nghệ thông tin…
Trên cơ sở đó, 100% các văn bản, tài liệu không mật trình UBND tỉnh dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy); 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy); 100% hồ sơ khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp nộp qua mạng mức độ 4; 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức nhà nước, viên chức quản lý trong ngành giáo dục và y tế được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức công nghệ thông tin. Thu hút đầu tư ít nhất 1 khu công nghệ thông tin tập trung bao gồm các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin…
Có thể bạn quan tâm
Hướng đi mới cho “công nghiệp không khói” Tiền Giang
10:55, 20/11/2019
Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
13:58, 15/11/2019
Sức bật từ Tân Phước - Tiền Giang
11:33, 08/11/2019
Ứng dụng thực tế
Tiền Giang đặc biệt chú trọng tới các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: Triển khai nâng cấp và mở rộng Cổng thông tin điện tử tỉnh của Tỉnh, Cổng dịch vụ công tích hợp các dịch vụ công của các sở, ngành, địa phương; cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Chẳng hạn, những năm gần đây, Sở Công Thương đã thực hiện một phần cấp C/O điện tử cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong vùng, thời gian cấp khoảng 4 giờ, mỗi năm cấp trên 15.000 C/O đến 36 quốc gia và vùng lãnh thổ cho các doanh nghiệp. Việc thủ tục cấp C/O nhanh, gọn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, chưa có trường hợp nào bị lỗi phải trả lại. Hồ sơ được doanh nghiệp đánh giá rất cao vì thủ tục nhanh, lại bớt tốn kém chi phí, thời gian đi lại, góp phần giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi các nước thuận lợi.
Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở TT&TT, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống Một cửa điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã triển khai hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước để hỗ trợ việc giải quyết TTHC. Cổng Thông tin điện tử tỉnh tích hợp toàn bộ TTHC công của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. 100% các TTHC của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 1.007 dịch vụ; gần 900 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Việc này giúp người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ... liên quan TTHC cần giao dịch. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả hồ sơ người dân, doanh nghiệp nộp phải được nhập vào hệ thống một cửa điện tử, do vậy người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ được tra cứu trực tuyến qua mạng Internet, SMS, Zalo… Khi người dân nộp hồ sơ liên quan đất đai có cung cấp số di động sử dụng Zalo, trạng thái hồ sơ được thông báo cho người dân.
Hiện tại, Sở TT&TT đang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai thử nghiệm hệ thống tiếp nhận phản ánh và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vấn đề bất cập của cộng đồng, xã hội. Hệ thống tiếp nhận các nội dung phản ánh kiến nghị qua các kênh chính: Tổng đài 1022, Ứng dụng trên di động (Mobile App) và từ Website, mạng xã hội. Tổng đài 1022 chủ yếu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp các thủ tục hành chính như: Hướng dẫn làm hồ sơ đất, làm giấy chứng minh nhân dân, khai sinh, các bước đăng ký thành lập doanh nghiệp,… hoặc các phản ánh về thái độ, giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức. Ngoài tính năng phản ánh kiến nghị, trên ứng dụng này còn tích hợp các dữ liệu có thể chia sẻ từ những hệ thống CNTT đang triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho người dân, doanh nghiệp như: Camera giao thông, thông tin đất đai, thông tin môi trường, địa điểm du lịch, thông tin tình trạng giải quyết thủ tục hành chính, thông tin sổ liên lạc điện tử, thông tin cước dịch vụ viễn thông, điện, nước, các thông tin tuyên truyền như dịch bệnh, thiên tai, chính sách pháp luật…
Với các giải pháp đồng bộ, thực thi hiệu quả, Tiền Giang đang hiện thực hoá mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.