Những cánh đồng hoang trên “Quê hương 5 tấn”

Vũ Lan 30/11/2019 05:00

Hầu hết các hộ dân đều có tư tưởng chỉ cần cố gắng cấy vài sào để bảo đảm đủ lương thực cho gia đình, còn lại cho ai cấy thì cấy, không thỉ bỏ ruộng hoang.

Đó là tình trạng đang xảy ra tại Thái Bình. Những diện tích vốn là “bờ xôi, ruộng mật” cũng bị bỏ hoang, không gieo cấy khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa cho “quê hương 5 tấn”.

p/Những thửa ruộng bỏ hoang trên cánh đồng xã Hòa Bình, Vũ Thư, Thái Bình.

Những thửa ruộng bỏ hoang trên cánh đồng xã Hòa Bình, Vũ Thư, Thái Bình.

Nông dân đua nhau bỏ ruộng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp Thái Bình, diện tích đất lúa bỏ hoang của vụ mùa năm 2019 là 1.560ha, tăng gần gấp đôi so với vụ xuân 2019. Trong đó các địa phương có diện tích bỏ hoang nhiều như huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Thái Thụy…

Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền (xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) có hơn 4 sào ruộng trên cánh đồng Cửa nhưng đến nay đã bỏ hoang và bà không hề tiếc nuối.

Về nguyên nhân để ruộng bỏ hoang, là Hiền lý giải do cánh đồng này tiếp giáp khu dân cư, chuột cắn phá khiến năng suất lúa rất kém. Hơn nữa, thời gian vừa qua, gia đình bà còn dễ dàng mượn được gần 2 mẫu ruộng ở xứ đồng khác thuận tiện hơn cho sản xuất, năng suất cũng cao hơn nên việc bỏ không 4 sào ruộng của gia đình cũng không hề hấn gì.

Đã từng là cánh đồng rộn ràng những mùa bội thu nhưng tới vụ mùa năm 2019, tất cả 17 mẫu ruộng (khoảng 6ha) trên cánh đồng Cửa (thôn Chín, xã Vũ Đoài, Vũ Thư) đều đã bị bỏ hoang.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quang (xã Hòa Bình) cho biết không còn đường nào khác để mưu sinh thì mới phải cấy. Các con của ông thì bận đi làm công nhân trên Vũ Quý. “Lương công nhân một tháng đủ đong gạo cho cả nhà ăn 1 năm. Cấy làm gì cho mệt!” - ông Quang chia sẻ.

Còn bà Trần Thị Dương (xã Hòa Bình) tâm sự, bao năm loay hoay, bao nhiêu thế hệ, gia đình bà đã cày cuốc, tự làm ra hạt thóc cho mình. Nhưng đến nay sức bà đã kiệt, bà phải nghỉ làm ruộng, về bồng cháu, trông nom nhà của cho con cái. Rồi bà thở dài khi nhắc chuyện phải đi đong thóc cho gà ăn. Nhưng biết làm thế nào được khi lao động trẻ khỏe đã tham gia công ty, xí nghiệp, chỉ còn lực lượng trung niên, cao tuổi ở nhà sản xuất nông nghiệp. “Làm không xuể nên chấp nhận bỏ ruộng” – bà Dương cho biết.

Sản xuất nhỏ lẻ, khó đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật, thực hiện nhiều công lao động thủ công khiến chi phí đầu tư lớn, hiệu quả sản xuất lúa thấp là nguyên nhân đầu tiên khiến nông dân bỏ ruộng.

Ông Trần Đức Toản – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Thư cho biết, hiện huyện Vũ Thư có hơn 300ha ruộng bị bỏ hoang, nhiều diện tích nằm trong các xứ đồng vốn là “bờ xôi, ruộng mật”. Trong đó, xã Hòa Bình có diện tích ruộng bị bỏ hoang cao nhất huyện, với 52ha ruộng bỏ hoang, chiếm 24,4% trong tổng số 213ha đất sản xuất nông nghiệp của xã.

“Những diện tích ruộng bị bỏ hoang, không được đầu tư cải tạo không những làm đất dần bị chai sạn, bạc màu mà còn là nơi trú ngụ của chuột và các loại sâu bệnh, phát sinh gây hại diện tích sản xuất lúa và hoa màu khác của nông dân” - ông Toản cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tập trung sắp xếp, quản lý đất đai các nông, lâm trường quốc doanh

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tập trung sắp xếp, quản lý đất đai các nông, lâm trường quốc doanh

    12:04, 18/11/2019

  • 5 kiến nghị sửa Luật Đất đai

    5 kiến nghị sửa Luật Đất đai

    06:00, 10/11/2019

  • Hà Nam: Vì sao nông dân bỏ ruộng?

    Hà Nam: Vì sao nông dân bỏ ruộng?

    17:00, 17/08/2019

Giải pháp nào?

Theo ông Đoàn Mạnh Hà – GĐ HTX nông nghiệp xã Hòa Bình, chi phí đầu tư trung bình cho 1 sào lúa hiện nay gồm: 150.000 đồng thuê máy cày bừa, khoảng 300.000 đồng thuê cấy, 150.000 đồng khâu thu hoạch, chi phí phân bón khoảng 220.000 đồng, thuốc trừ sâu khoảng 80.000 đồng, phí dịch vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 60.000 đồng.

Như vậy, chưa kể chi phí phụ phát sinh như vận chuyển thóc lên đường trục chính ở các ruộng xa, thuê phun thuốc trừ sâu, đầu tư thuốc diệt chuột, ốc bươu vàng, mua nilon quây chuột... mà chỉ tính các chi phí đầu tư cơ bản thì tổng đầu tư cho 1 sào lúa khoảng 960.000 đồng/sào. Trong khi đó, năng suất tùy giống lúa, tính trung bình 2 tạ/sào x 5.500 đồng/kg thóc = 1,1 triệu đồng. Cân đối thu chi, nông dân còn lãi 140.000 đồng/sào lúa cho 3 tháng sản xuất. Với các diện tích lúa bị chuột, ốc bươu vàng gây hại nặng hoặc thời tiết bất thuận thì bà con có thể bị lỗ.

Chính sản xuất nhỏ lẻ, khó đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật, thực hiện nhiều công lao động thủ công khiến chi phí đầu tư lớn, hiệu quả sản xuất lúa thấp là nguyên nhân đầu tiên khiến nông dân bỏ ruộng hiện nay – ông Hà phân tích.

Theo các chuyên gia, để xóa bỏ những cánh đồng hoang, các địa phương (không riêng gì Thái Bình) cần tính chuyển đổi mô hình, tích tụ ruộng đất để không lãng phí tiềm năng của đất.

Vũ Lan