Nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Bảo Loan - Dương Thành 06/12/2019 18:53

Giải quyết các vấn đề nâng quyền kinh tế cho phụ nữ không chỉ là vấn đề tăng thu nhập mà còn là hỗ trợ phụ nữ cải thiện quyền tự ra quyết định trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Để cải thiện việc nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam có nhiều những thách thức và cơ hội. Đó là những nội dung được đề cập đến tại sự  kiện “Từ Bản làng đến Thị trường: Nâng quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số” được tổ chức tại Hà Nội mới đây (6/12). Sự kiện do dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (Great) được tài trợ bởi chính phủ Australia nhằm mục đích nâng quyền cho phụ nữ địa phương để tham gia tích cực vào thị trường nông nghiệp và du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La.

Có thể bạn quan tâm

  • Nâng cao hiệu quả kinh tế tại Sơn La và Lào Cai góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

    18:53, 06/12/2019

  • Hội nghị kết nối khởi nghiệp tại Sơn La: Chỉ có sự sáng tạo mới làm nên sự khác biệt

    07:08, 25/09/2019

  • Lào Cai: Chàng trai người H’Mông lên đời nhờ cây dược liệu

    04:04, 30/10/2019

Tại sự kiện, 14 đối tác của Great đã giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của họ trong khu trưng bày sản phẩm bao gồm các ngành hàng khác nhau như chè, rau, gia vị, dược liệu, trái cây, hoa và du lịch cộng đồng.

Ông

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao chuỗi giá trị quế tại huyện Văn Bàn – Lào Cai, Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế, hồi Việt Nam chia sẻ: "Năm vừa rồi giá của quế và hồi rất tốt nên chắc chắn bà con làm tốt thì sẽ có cơ hội để làm giàu. Ở vùng núi, tôi thấy nếu nam giới đã đi uống rượu thì công việc sau đó chủ yếu là người phụ nữ làm. Nam giới cũng làm những việc nặng, có khi người đàn ông đi làm những vùng thảo quả ở vùng trên cao hàng tháng trời. Vì vậy ở những vùng trồng quế, hồi ở vùng thấp hơn là do người phụ nữ hái hồi, làm cỏ, chăm sóc cây hồi, quế… Chính vì vậy chúng tôi rất hiểu vai trò rất quan trọng của Great trong việc Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch để góp phần cải thiện việc nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Về phía công ty chúng tôi cũng rất nỗ lực và mong muốn góp phần nâng cao được đời sống cho bà con, góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ ở những nơi này".

Đại diện Công ty Cổ phần Vietrap Đầu tư Thương mại, bà Vũ Thị Hồng Nhung cho biết dự án Great đã mang lại những điều tốt đẹp đến cho doanh nghiệp và người nông dân. Đánh giá rất cao về vai trò của Great, đã có những sự hỗ trợ, tác động tốt tới hoạt động của doanh nghiệp, chị Nhung cho biết: thay vì doanh nghiệp có kế hoạch làm 7-8 phần thì khi được hỗ trợ, tác động của dự án thì chúng tôi sẽ làm được 10 phần.

Khi tự doanh nghiệp chủ động thì về chuyên môn, kỹ thuật cao chúng tôi chưa được tốt lắm nhưng dự án đã giúp cho chúng tôi có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ. Và với hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt thì chính là doanh nghiệp góp phần cùng với dự án để nâng cao được cuộc sống của đồng bào miền núi, đặc biệt là nâng cao được quyền cho người phụ nữ dân tộc thiểu số.

Great

Great kì vọng sẽ hỗ trợ được khoảng 40.000 phụ nữ tăng thu nhập và tạo ra khoảng 4.000 việc làm cho phụ nữ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh

Trong khi thăm quan các gian hàng, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie nhấn mạnh rằng nâng quyền kinh tế cho phụ nữ và bình đẳng giới là một trong những lĩnh vực ưu tiên của chương trình viện trợ Australia tại Việt Nam. “Các đối tác trưng bày sản phẩm của họ ngày hôm nay chỉ là một phần trong những hoạt động của Great đang thực hiện. Tôi rất vui khi có cơ hội được trao đổi với các doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc làm chủ cũng như các doanh nghiệp lớn đang tích cực hỗ trợ kết nối những nông dân là phụ nữ dân tộc thiểu số với thị trường tiêu thụ trên thế giới”, bà Đại sứ Mudie phát biểu.

Ông Phil Harman – Cố vấn trưởng dự án Great cho biết: Với dự án Great, chúng tôi tập trung thay đổi các dịch vụ hiện có dành cho người phụ nữ như tiến hành tăng cường các hoạt động tập huấn cho họ nâng cao kỹ năng về du lịch cũng như về ngành dịch vụ, đồng thời hỗ trợ để giúp cho họ vay vốn tiếp cận tín dụng một cách tốt hơn. Ở nông thôn đặc biệt là các hộ gia đình ở vùng thiểu số gặp rất nhiều rào cản khi muốn vay vốn nên chúng tôi tiếp cận với các ngân hàng để thông qua đó các ngân hàng có thể cũng cấp các gói tín dụng không đòi hỏi  người dân phải có các khoản thế chấp vẫn có thể vay được tiền. Đồng thời tập chung hỗ trợ để có thể cung cấp các cây giống cho bà con để họ có thể trồng các cây rau cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Ông Phil Harman – Cố vấn trưởng dự án Great

Ông Phil Harman – Cố vấn trưởng dự án Great: Dự án đang hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các đối tác nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế bao trùm và hệ thống thị trường trong hai ngành nông nghiệp và dịch vụ

Dự án Great được thực hiện đến 31 tháng 12 năm 2021 với tổng đầu tư 33,7 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 600 tỷ đồng) trong hơn 4 năm. Ban chỉ đạo của Dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và Lào Cai. Dự án kì vọng sẽ hỗ trợ được khoảng 40.000 phụ nữ tăng thu nhập và tạo ra khoảng 4.000 việc làm cho phụ nữ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh. 

Trong 12 tháng qua, Great đã đạt được một số thành công ban đầu bao gồm: 11.000 phụ nữ giờ đây có kiến thức và kỹ năng mới về nông nghiệp, chế biến, du lịch và kinh doanh; có nhiều hoạt động về đổi mới sáng tạo như người dân được tiếp cận các giống cây trồng mới và các hợp tác xã địa phương đã được kết nối với các nhà bán lẻ lớn như siêu thi Big C.

Dự án đang hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các đối tác nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế bao trùm và hệ thống thị trường trong hai ngành nông nghiệp và dịch vụ tại Sơn La và Lào Cai. Thông qua việc đảm bảo rằng các doanh nghiệp và hệ thống thị trường gắn kết và mang lại lợi ích nhiều hơn cho phụ nữ và các cộng đồng dân tộc thiểu số, ngày càng có nhiều người tham gia và hưởng lợi ích từ các hoạt động kinh tế liên quan và sự tăng trưởng chung. Cùng với đó cũng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và phi chính phủ để vận động chính sách, thay đổi ý thức và hành động liên quan đến bình đẳng giới.

Bảo Loan - Dương Thành