Lạng Sơn: Rà soát xây dựng quy hoạch, tháo gỡ "điểm nghẽn" thu hút đầu tư

Nguyễn Hà 13/12/2019 11:00

Vấn đề giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch thực hiện kinh doanh gặp nhiều khó khăn tại tỉnh Lạng Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra về tình hình thực hiện các hạng mục công trình tại khu phi thuế quan xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra về tình hình thực hiện các hạng mục công trình tại khu phi thuế quan xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng

“Hút” vốn ngoại gặp khó

Tỉnh Lạng Sơn nằm ở phía Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội 154 km đường bộ, có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài trên 231 km, với 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính và 09 cửa khẩu phụ. Là địa phương có vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh - Singapore).

Cùng với đó, Lạng Sơn có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, đồng bộ hơn với các tuyến đường quan trọng như: QL 1A đi Hà Nội, QL 1B đi Thái Nguyên, QL 4A đi Cao Bằng, QL 4B đi Quảng Ninh, tuyến đường sắt liên vận Quốc tế Việt - Trung,... Đặc biệt, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Đồng Đăng, sẽ là cầu nối, là cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc, trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.

Với những lợi thế trên sẽ thuận lợi cho hoạt động trao đổi hàng hóa, xuất nhập khẩu, tuy nhiên, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế  -xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế cửa khẩu của Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn.

Được biết, là tỉnh giáp biên nên một trong những vấn đề khó khăn trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài đó là thủ tục. Đơn cử như khi làm thủ tục thuê đất để thực hiện dự án, các doanh nghiệp ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật còn phải chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh- quốc phòng khu vực biên giới. Đặc biệt, vấn đề giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch thực hiện kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn tại tỉnh Lạng Sơn.

Theo đại diện Công ty Liên doanh Vận tải Ô tô Sơn Đức, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều cửa khẩu đường bộ, có rất nhiều phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại tỉnh, đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với công ty hiện nay là thiếu mặt bằng sạch để mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Công ty cũng đã có văn bản đề nghị tỉnh cho thuê đất với diện tích khoảng 2 ha, nhưng tỉnh thiếu quỹ đất sạch. Hiện, nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để giải phóng mặt bằng thì chi phí sẽ rất lớn, kèm theo đó là rất nhiều thủ tục pháp lý khác.

Đến hết năm 2019, toàn tỉnh Lạng Sơn chỉ có 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 257,9 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 2010 đến 2019, toàn tỉnh thu hút được 11 dự án đầu tư nước ngoài, riêng các năm: 2014, 2015 và 2019, tỉnh không thu hút được dự án nào.

Có thể bạn quan tâm

  • Lạng Sơn: Rà soát xây dựng quy hoạch, tháo gỡ điểm nghẽn

    23:38, 12/12/2019

  • Chính phủ yêu cầu Lạng Sơn tập trung phát triển 3 trụ cột

    23:03, 14/11/2019

  • Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên" vì hoa quả ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

    21:09, 23/10/2019

  • Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị: Lạng Sơn cam kết chi 1.000 tỷ đồng

    11:00, 01/10/2019

  • Thủ tướng đưa ra 5 định hướng phát triển cho tỉnh Lạng Sơn

    14:27, 30/09/2019

  • Phát triển hạ tầng tạo "sức bật lớn" cho tỉnh Lạng Sơn

    11:51, 30/09/2019

  • Lạng Sơn: Thẩm định phương án lắp đặt thiết bị thu phí cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

    05:00, 20/09/2019

  • Lạng Sơn thu hút đầu tư 37 dự án giai đoạn 2019-2025

    17:01, 16/09/2019

Thực tế đầu tư nước ngoài tại Lạng Sơn không chỉ hạn chế “lượng” mà còn hạn chế về “chất”, bởi các dự án này chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa. Chỉ có một số dự án có quy mô lớn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nhưng tiến độ xây dựng rất chậm như: Dự án khách sạn sân golf Hoàng Đồng, dự án sản xuất lắp ráp ô tô Dragon Miền Bắc.

Hiện nay, có 12 dự án đầu tư tại thành phố Lạng Sơn, 6 dự án tại huyện Văn Lãng, 4 dự án tại huyện Cao Lộc, Hữu Lũng có 5 dự án; Lộc Bình có 2 dự án và Đình Lập có 1 dự án, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, với 26 dự án còn hiệu lực, còn lại là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc và Anh.

Rà soát xây dựng quy hoạch, tháo gỡ điểm nghẽn

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư phát triển xứng tầm, tỉnh Lạng Sơn đang chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông, khu cụm công nghiệp, khu trung chuyển, khu chế xuất trong khu kinh tế cửa khẩu. Đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng đang thực hiện rà soát điều chỉnh bảo đảm đồng bộ với phù hợp với yêu cầu tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Đình Trường - Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, hiện nay, huyện đang đẩy mạnh quy hoạch, tạo quỹ đất sạch xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển thương mại, dịch vụ và các khu chế xuất, khu phi thuế quan...

Cụ thể, đã thực hiện giải phóng mặt bằng 20ha để xây dựng khu phi thuế quan; đang quy hoạch gần 60 ha tại xã Tân Mỹ và 60 ha tại xã Tân Thanh để thu hút các dự án khu thương mại, khu sản xuất và các dịch vụ khác; quy hoạch 50ha tại xã Na Hình để thu hút doanh nghiệp đầu tư bến bãi, kho hàng; Triển khai quy hoạch đất đai dọc theo tuyến đường phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa đấu nối giữa cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc). Văn Lãng quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho các dự án được triển khai hiệu quả.

Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát xây dựng quy hoạch, cập nhật kế hoạch sử dụng đất dọc tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào kế hoạch sử dụng đất tổng thể toàn tỉnh trình tỉnh xem xét quyết định.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đang tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án, khu cụm công nghiệp do doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác tuyên truyền xúc tiến đầu tư, xử lý nghiêm đối với các dự án cố tình kéo dài thời gian không hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn, trong những năm tới, mục tiêu của Lạng Sơn là thu hút từ 40-45 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, trong đó trọng tâm là các nguồn vốn từ xã hội. Để đạt được điều đó, tỉnh xác định tạo cơ hội thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong việc đồng hành,hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án.

UBND tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng chương trình hành động để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với mục tiêu xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và hội nhập. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2025 với nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, vấn đề đất đai, mặt bằng phục vụ sản xuất, nguồn vốn đầu tư…

Nguyễn Hà