TT-Huế: Hướng tới mục tiêu thành phố di sản

Nguyễn Hà 16/12/2019 11:00

Huế sẽ trở thành thành phố di sản trực thuộc trung ương, bám sát mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Đây định hướng phát triển của

Thừa Thiên Huế trong thời gian tới được ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ với DĐDN.

Theo ông Thọ, Thừa Thiên Huế (TT-Huế) đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, để thu hút đầu tư.

- Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật TT-Huế đã đạt được trong năm 2019?

Năm 2019 được xác định là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của TT-Huế. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm rất đáng mừng, cụ thể: tốc độ tăng trưởng đạt 7,18; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 2.007 USD; thu ngân sách đạt 7.787 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,33%; giải quyết việc làm cho trên 16.500 lao động…

Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, với tổng lượt khách đạt 4.800 nghìn lượt (tăng 10,8% so với năm 2018). Cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, việc hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng được quan tâm.

p/Thủ tướng Chính phủ chứng kiến các địa phương Miền Trung và Tây Nguyên trao quyết định chủ trương đầu tư cho các Doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ chứng kiến các địa phương Miền Trung và Tây Nguyên trao quyết định chủ trương đầu tư cho các Doanh nghiệp.

Năm 2019, tỉnh có 740 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 9.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được những nhà đầu tư lớn, như: Vin Group, Sun Group, Sovico, FLC, Tập đoàn Gami, Tập đoàn Hoàng Gia Hội An...

Ngoài ra, tỉnh cũng đã đạt được những thành tựu nổi bật khác, điển hình như: Thứ nhất, triển khai hiệu quả đề án chủ nhật xanh và phong trào nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Với cách làm quyết tâm, sáng tạo, đến nay đã trở thành cuộc vận động lớn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, đến mọi tầng lớp nhân dân. Huế là một trong 3 thành phố của Việt Nam được bình chọn vào danh sách “Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2019".

Thứ hai, xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Tỉnh đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến với sự tham gia của 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Thừa Thiên Huế (IOC) và đạt giải “Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019. Năm 2019, xếp hạng Chính quyền điện tử xếp hạng 1/63 tỉnh, thành; Chỉ số Xếp hạng ICT Index 2019 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành.

Thứ ba, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 2/2019; thực hiện từ năm 2019 đến năm 2025. Với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh, tôi đã cùng với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ đối với công tác bồi thường, di dời để hoàn thành di dời, tái định cư đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Thứ tư, tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 48 và xây dựng Đô thị di sản đặc thù. Tỉnh đang tích cực triển khai việc xây dựng Bộ tiêu chí đô thị di sản, Đề án mở rộng thành phố Huế và mô hình đô thị Huế và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đô thị di sản để làm nền tảng cho việc triển khai đồng bộ các đề án có tính chiến lược.

- Theo ông đâu là những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong bối cảnh mới, đã và đang tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và đầu tư?

Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang phát triển theo xu hướng xanh, bền vững và ngày càng dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là những định hướng mà TT-Huế đã xây dựng nhiều năm qua, trong đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Tỉnh đã tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường đổi mới, tạo đột phá thu hút đầu tư qua việc quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh... Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh là những mục tiêu được tỉnh ưu tiên. Chúng tôi cũng tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc...

Tại TT-Huế, một số chính sách được tỉnh ban hành mang lại hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp như: Quyết định 19/2017/QĐ-UBND ngày 24/4/2017, quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; Quyết định 39/2018/QĐ-UBND ngày 28/6/2018, về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 52/2018/QĐ-UBND ngày 27/9/2018, về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển Hợp tác xã...

Ngày 15/11 vừa qua, tại buổi tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh TT-Huế đến năm 2020, Bộ Chính trị đã thống nhất sẽ ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế; giúp tỉnh phát huy được vai trò là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đây sẽ là cú hích lớn khẳng định vị thế của tỉnh, tạo “lực hấp dẫn” nhà đầu tư.

- Nhân dịp này, ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới những người bắt đầu khởi nghiệp cũng như những nhà đầu tư đang quan tâm đến TT-Huế?

Khởi nghiệp chính là thước đo cho sự năng động của một nền kinh tế, hệ sinh thái khởi nghiệp nào đa dạng, hiệu quả sẽ phản ánh tính kiến tạo, hỗ trợ của chính quyền địa phươngcùng các chính sách hỗ trợ thực sự hiệu quả và đi vào thực tế. Chúng tôi luôn coi những người, doanh nghiệp khởi nghiệp là tương lai của TT-Huế. Do đó, các bạn hãy cứ mạnh dạn, tự tin, sáng tạo và phát huy tinh thần khởi nghiệp Việt Nam. Chính quyền các cấp luôn tạo mọi điều kiện, cơ chế tốt nhất để cho các bạn một nền tảng và khởi đầu vững chắc.

Bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, TT-Huế cũng đang quyết tâm đổi mới, hoàn thiện từ chính sách đến điều hành, nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng nhất để thu hút các nhà đầu tư. Với việc hình thành Trung tâm hành chính tập trung và Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, sẽ rút ngắn thời gian, chi phí xử lý các thủ tục hành chính của các nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh luôn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đầu tư miễn phí theo tinh thần “đồng hành với nhà đầu tư để cùng cống hiến, xây dựng TT-Huế”, với sự hướng dẫn của những cán bội tâm huyết, sẵn sàng kề vai, sát cánh cùng doanh nghiệp.
Trên tinh thần đó, tôi kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với mảnh đất Cố đô để cùng hợp tác, xây dựng và phát triển TT-Huế trở thành một địa phương năng động, đáng sống, là điểm đến của cả Việt Nam và khu vực.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hà