Thái Bình: Bao giờ khắc phục được ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc?
Khi mà ô nhiễm của con sông Đoan Túc vẫn hàng ngày, hàng giờ ám ảnh người dân, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này.
Như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, gần 2.000 người dân thuộc tổ dân phố số 5,6,7,8 và 17 trên địa bàn phường Tiền Phong (TP Thái Bình) hàng ngày phải “sống mòn” vì ô nhiễm của dòng sông Đoan Túc.
Người dân nơi đây cho biết, họ đã kiến nghị rất nhiều lần đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Ô nhiễm của con sông này vẫn hàng ngày, hàng giờ ám ảnh họ.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVI (nhiệm kỳ 2016 – 2021) trước những ý kiến chất vấn của người dân về vấn đề ô nhiễm dòng sông Đoan Túc. Ông Nguyễn Xuân Khánh – GĐ Sở TNMT Thái Bình cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc vẫn diễn ra, chưa có chiều hướng giảm. Mặc dù, thời gian qua UBND tỉnh Thái Bình đã có những chỉ đạo rất kiên quyết, các sở ban ngành cũng đã có nhiều giải pháp nhưng sông Đoan Túc vẫn còn ô nhiễm.
Ông Khánh cho biết thêm, nguồn gây ô nhiễm sông Đoan Túc chủ yếu do việc thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong CCN Phong Phú chưa triệt để. Trong cụm còn 14 doanh nghiệp chưa xử lý nước thải. Nước thải được xả trực tiếp ra sông Đoan Túc. Bên cạnh đó, nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân ở 7 tổ dân phố phường Tiền Phong, dân xư xã Phú Xuân xả ra sông Đoan Túc cũng là một nguồn lớn gây ô nhiễm. Cùng với đó, nguồn nước rỉ ra từ bãi rác Nhà máy xử lý rác Tiền Phong chảy vào sông cũng Đoan Túc là một nguyên nhân gây ô nhiễm.
Ngoài ra, chiều rộng của dòng sông Đoan Túc hẹp, tiếp giáp các khu dân cư nên có tình trạng bồi lắng. Đoạn sông ở khu vực tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 5 của phường Tiền Phong thấp hơn so với đoạn sông ở cầu Mùa nên nước sông ứ đọng lâu ngày cũng gây ô nhiễm.
Về phía Sở Nông nghiệp, ông Phạm Văn Dụng - Giám đốc Sở cho biết, phương án điều tiết bằng việc mở cống Nhân Thanh lấy nước vào sông Đoan Túc để lưu thông dòng chảy thời gian qua cho hiệu quả không cao.
Được biết, UBND TP Thái Bình đang thực hiện đầu tư nạo vét sông Đoan Túc để xử lý ô nhiễm môi trường. Hiện, thành phố đã xây dựng dự án, rà soát, xác định điểm nạo vét, điểm đổ bùn ô nhiễm để không gây ô nhiễm tiếp. Tuy nhiên, dòng sông này đã có mấy lần được nạo vét nhưng chỉ được một thời gian lại “đâu đóng đấy”, không thể xử lý dứt điểm được ô nhiễm môi trường.
Tại đây, Sở TNMT tỉnh Thái Bình đã đưa ra rất nhiều giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm sông Đoan Túc. Cụ thể, đề nghị UBND thành phố tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đồng thời, xây dựng phương án mở rộng nhà máy xử lý nước thải của thành phố để thu gom nước thải sinh hoạt của các hộ dân. Cần có phương án lắp camera tại các điểm đầu xả thái của một số doanh nghiệp được phép xả thải ra sông Đoan Túc để kiểm soát lượng nước và tình trạng ô nhiễm môi trường. Cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho tổ thanh tra để giám sát môi trường sông Đoan Túc.
Sở TNMT đề nghị Sở Nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Thái Bình điều chỉnh giấy phép xả thải thủy lợi vào hệ thống sông Đoan Túc, công khai các điểm xả thải để người dân giám sát, kiểm tra và chỉ đạo vận hành hệ thống thủy lợi để hợp lý hóa việc nước ra, vào con sông này.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Vì sao nhiều doanh nghiệp bị người dân đòi đất?
05:50, 12/11/2019
Thái Bình: Lại thêm 1 địa phương có dân đi đòi đất đã cho doanh nghiệp thuê
04:50, 06/11/2019
Thái Bình: Công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế
16:20, 05/11/2019
Đối với nhà máy xử lý rác thải Tiền Phong, công nghệ đã lỗi thời, công suất, năng suất xử lý rác thải hạn chế, ông Nguyễn Ngọc Ý – Chủ tịch UBND TP Thái Bình đề nghị HĐND tỉnh tổ chức giám sát trực tiếp, xem xét khả năng hoạt động của nhà máy và xem xét bổ sung kinh phí cho nhà máy hoạt động, góp phần giảm ô nhiễm môi trường ở khu vực sông Đoan Túc.
Trước những đề xuất về các giải pháp trên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng cho rằng, giải pháp các đơn vị đưa ra đã khá đầy đủ, trách nhiệm chủ yếu hiện giờ là của TP Thái Bình… Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo các bên liên quan nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm của đơn vị, địa phương mình. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình xử lý tại chỗ lượng nước thải, bảo đảm nước thải phải đạt chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
Hy vọng, những giải pháp mà các cấp, các ngành tỉnh Thái Bình đưa ra tại kỳ họp HĐND lần này sẽ được thực hiện nghiêm túc, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc.