Thừa Thiên Huế: Tạo giá trị cạnh tranh riêng biệt - hút đầu tư theo chiều sâu

Lê Nam thực hiện 23/12/2019 10:24

Thừa Thiên Huế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung với nhiều thế mạnh về di sản, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và đào tạo nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan rằng, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đó cũng là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân Thừa Thiên Huế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Đây là chia sẻ của ông HOÀNG VIỆT TRUNG - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh TT-Huế với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Vậy, đâu là những tồn tại, hạn chế hình thành rào cản thu hút đầu tư của TT-Huế những năm qua? Tỉnh đã khắc phục điều này ra sao, thưa ông?

Thừa Thiên Huế là tỉnh sở hữu nhiều di tích lịch sử cùng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá so với toàn quốc (7 di sản văn hóa Thế giới cùng nhiều di sản văn hóa cấp Quốc gia). Điều đó tạo ra lợi thế phát triển ngành du lịch, dịch vụ phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, nếu so sánh tốc độ phát triển lĩnh vực này với các tỉnh, thành khác trong vùng và cả nước, thì kết quả của tỉnh còn khá khiêm tốn.

Đối với ngành công nghiệp và đào tạo nhân lực, vốn được xem là những thế mạnh truyền thống của tỉnh trước đây nhưng cũng chưa có sự “bứt phá” rõ nét trong thời gian qua. Với một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, việc vắng bóng các nhà đầu tư tầm cỡ, các dự án quy mô là một hạn chế của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về nguyên nhân, trên thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan.

Qua rà soát, nghiên cứu, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do công tác quảng bá, truyền thông thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Việc tuyên truyền còn mang tính thời điểm, chưa đi vào trọng tâm. Đặc biệt, công tác xúc tiến đầu tư chưa có sự đa dạng, hiệu quả chưa cao, nhất là chưa tạo hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn, đẳng cấp. Mục tiêu phát triển du lịch, đô thị của tỉnh vì thế chưa đúng theo kỳ vọng.

Bên cạnh đó, có thể nói rằng Thừa Thiên Huế có phần nào “thận trọng”, đứng ở ranh giới giữa bảo tồn và phát triển do được kế thừa, sở hữu nhiều giá trị văn hóa, thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng và di sản đậm đặc so với các vùng miền khác.

Nhận diện được vấn đề trên, Tỉnh đang tích cực thay đổi từ tư duy, chủ trương đến chính sách nhằm tạo ra những giá trị cạnh tranh riêng biệt trong thu hút đầu tư.

Những năm gần đây, tỉnh đã quyết tâm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh về địa phương với các tiềm năng sẵn có. Đặc biệt, phản ánh về môi trường đầu tư, công tác cải cách thủ tục hành chính đang ngày càng chuyển biến tích cực. Ngoài ra, tỉnh tập trung đổi mới phương pháp xúc tiến đầu tư, chủ động công khai, minh bạch thông tin kêu gọi đầu tư; xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng nhằm hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu dự án tại địa phương...

- Những thay đổi trong công tác điều hành đã tạo ra kết quả cụ thể như thế nào cho TT-Huế, thưa ông?

Việc xác định đúng sự hạn chế trước đó để thay đổi, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã từng bước đưa TT-Huế trở lại vị thế vốn có và ngày càng trở nên “hấp dẫn”. Điều này được minh chứng qua việc có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đầu tư, nghiên cứu cơ hội đầu tư vào tỉnh; Điển hình như các tập đoàn, công ty lớn như: Vin Group, Sun Group, FLC, Hoàng Gia Hội An, VietJet, Ecopark, Vietravel, Cotana, Văn Phú - Invest…

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn đang được triển khai xây dựng, như: Dự án Huyền thoại Địa Trung Hải; Dự án Khu du lịch Minh Viễn Lăng Cô; Dự án khu du lịch Xanh Lăng Cô; Dự án Khu vui chơi và công viên biển (H.B. Park);... Ngoài ra, một số dự án đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng như: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Hải Dương (thị xã Hương Trà); Dự án khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp (huyện Phú Vang); Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp dịch vụ vui chơi, thể thao Lộc Bình (huyện Phú Lộc); Dự án Khu đô thị sinh thái Thủy Vân (Giai đoạn 2); Dự án Nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản FAM (huyện Phong Điền)...

- Được biết, chủ trương của tỉnh trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư mang tính chiều sâu chứ không trải rộng. Ông có thể thông tin rõ hơn về điều này?

Đảng bộ và chính quyền tỉnh TT-Huế đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính, tư pháp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... Đồng thời, TT-Huế xác định rõ mục tiêu thu hút đầu tư thực chất hiệu quả hơn, cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Định hướng xuyên suốt trong kêu gọi đầu tư là phát triển bền vững theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”, đem lại những giá trị khác biệt cũng như giá trị gia tăng cao. Trong đó, tỉnh chú trọng chiều sâu, tập trung vào chất lượng tăng trưởng; chủ động tiếp xúc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược để triển khai có hiệu quả các dự án nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, việc thu hút, kêu gọi đầu tư theo phương thức tỉnh chủ động nghiên cứu xây dựng tiêu chí để công bố công khai đối với từng dự án đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, phát huy tối đa lợi thế riêng có của tỉnh. Cụ thể tỉnh đang kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm trên các lĩnh vực như: di sản (Dự án phục hồi phố cổ Bao Vinh, Thái Y Viện…), Văn hóa (Bảo tàng Ẩm thực..); Y tế (Dự án bệnh viện quốc tế), giáo dục (Dự án đô thị đại học), du lịch (Dự án chợ du lịch sinh thái, khách sạn nổi…), công nghệ (Dự án thành phố truyền thông thông minh..), logistics và các dịch vụ hiện đại khác (Dự án Khu dịch vụ logistic, hậu cần phục vụ cảng Chân Mây)…

- Để tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhằm cụ thể hóa mục tiêu lọt top những tỉnh, thành phố có thứ hạng cao, TT-Huế cần tập trung giải quyết những vấn đề gì, thưa ông?

Năm 2018, TT-Huế xếp thứ 30/63 tỉnh, thành về PCI, giảm 1 bậc so với năm 2017. Mặc dù vậy, điểm số PCI của tỉnh lại tăng 1,14 điểm (từ 62,37 lên 63,51 điểm), nằm trong nhóm địa phương “Khá”. Đặc biệt, tỉnh có tới 02 chỉ số thành phần có điểm số cao nhất cả nước, là chỉ số “Gia nhập thị trường” và “Tính minh bạch” (là những chỉ số được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm).

Nhìn chung, tuy đã đạt được một số thành tựu nhưng TT-Huế vẫn cần phải cố gắng trong các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, trong năm 2019, tỉnh đã quyết liệt đề ra những giải pháp căn bản và toàn diện. Ngày 15/3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, với mục tiêu lọt vào nhóm tỉnh, thành có chất lượng điều hành “Tốt” hoặc nửa trên của nhóm “Khá”.

Khác với mọi năm, TT-Huế không xây dựng kế hoạch chung để cải thiện tất cả các chỉ số thành phần PCI trên địa bàn tỉnh mà xây dựng các mục tiêu cụ thể về vị trí xếp hạng của các chỉ số thành phần. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan phải xây dựng kế hoạch hoạt động cho chính mình và trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kế hoạch triển khai cũng như kết quả đạt được.

Tin rằng, đây là cách làm giúp tỉnh thu được những thành tựu hơn nữa về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;thu hút đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Nam thực hiện