Biến đổi khí hậu là vấn đề lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Ninh Thới 23/12/2019 11:05

Đó là nhận định của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ tại hội thảo “tăng cường khả năng thích ứng của doanh nghiệp với BĐKH và rủi ro thiên tai”.

Theo ông Lam, biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện là một cụm từ quá đổi quen thuộc bởi BĐKH đã và đang tác động ngày một rõ nét, đến nổi những gì bất thường trong thời tiết người ta đều cho là do BĐKH. 

Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng của BĐKH, thường xảy ra thiên tai và ĐBSCL là vùng chịu nặng nề nhất từ BĐKH này. 

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ chia sẻ tại hội thảo.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ chia sẻ tại hội thảo.

Trong một dự báo mới nhất của Trung tâm khí tượng thủy văn, mùa khô năm nay ĐBSCL sẽ gặp một đợt xâm ngập mặn mới với mức độ và độ phủ cao hơn 2016 với khả năng xâm ngập 50 - 60km. Có nơi vào sâu đến 100km đất liền, một số tỉnh sẽ ngập lớn như Cà Mau, Bạc Liêu. Kiên Giang, Bến Tre…

Trong những năm trở lại đây thiệt hại từ thiên tai và BĐKH ngày một nhiều hơn đối với khu vực ĐBSCL vốn được xem là vùng “ấm áp” của thiên nhiên. Nhiệt độ gia tăng cao hơn qua các năm lượng mưa không nhiều hạn hán gia tăng. Hiện tượng Enino xuất hiện nhiều hơn trong thập niên 2000 trở về sau xâm nhập mặn từ biển dần lộ rõ. Triều cường bất thường, ngập ứng đó thị tăng cao... làm ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế của vùng.

Năm 2016 lịch sử xâm ngập mặn có đến 11/13 tỉnh ĐBSCL chịu thiệt hại, nước biển ngâp sâu trong đất liền hơn 40km, một điều không hề có trước đây. Một vài tỉnh không còn nước ngọt cho trồng trọt và sinh hoạt, ngành nuôi trồng thủy sản điêu đứng... và ngay từ giữa năm 2019 này triều cường đã làm ngập úng các tuyến đường đô thị Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL. BĐKH còn làm mất đi đất đai, cơ hội việc làm của người dân

Báo cáo kịch bản mới nhất của Hoa Kỳ cho biết, ĐBSCL sẽ biến mất vào 2050. Sau khi có kết quả nghiên cứu, Giáo sư David Dapic-thành viên nhóm nghiên cứu đã khảo sát 6 tỉnh miền Tây thì hầu như không quan chức tỉnh nào biết được thông tin này. 

Quang cảnh hội thảo diễn ra sáng nay tại Cần Thơ.

Quang cảnh hội thảo diễn ra sáng nay tại Cần Thơ.

Thời gian qua, trong một động thái quyết liệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/CP về phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH vào 2017 và Chính quyền địa phương đều nỗ lực triển khai các giải pháp. Một số tỉnh được sự hỗ trợ và tham gia trực tiếp vào các dự án trong nước, quốc tế về chống chịu thiên tai và BĐKH, tuy nhiên, những bước đi còn khá chậm. Hành động BĐKH chưa có sự phối hợp giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là những tác động đến phát triển kinh tế mà doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. 

Về mặt nhận thức, tuy BĐKH đều được tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp nghe và hiểu, nhưng thực tế do tư duy "chưa đến lúc" và tâm lý “bình an" của doanh nghiệp ĐBSCL vẫn còn rất lớn. Trong khi các doanh nghiệp FDI thường quan tâm nhiều hơn. 

Thấy được tác động ảnh hưởng này, Quỹ châu Á đã phối hợp với VCCI thực hiện dự án “Tăng cường khả năng thích ứng của BĐKH và rủi ro thiên tai" dành cho doanh nghiệp Việt Nam-quốc gia bị tổn thương nhiều nhất, để thực hiện và đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng một cách hiệu quả”, ông Lam cho biết.

Ninh Thới