Xây dựng Khu Công nghiệp sinh thái Cộng sinh để phát triển bền vững!
Từ cuối thế kỷ 19, Hải Phòng đã là vùng đất giao thương văn hoá, kinh tế, chính trị của khu vực Đông Nam Á với các nước trong châu lục và châu Âu.
Cùng với việc hình thành các nhà máy, xí nghiệp từ rất sớm, Hải Phòng được xem là một trong những “cái nôi” của hoạt động sản xuất công nghiệp trên cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi những tác động đến môi trường của hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp ngày càng rõ nét, thách thức toàn cầu thì xu hướng tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển bền vững càng “nóng”.
Theo Tiến sỹ Vương Thị Minh Hiếu-Điều phối viên chương trình xây dựng Khu công nghiệp sinh thái thuộc Bộ KH&ĐT thì từ những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ trước, nhiều quốc gia ở châu Âu, Á đã bắt tay xây dựng KCN sinh thái. Gần với Việt Nam, có Hàn Quốc, Nhật Bản, như tại thành phố Kitakyushu thì các KCN xanh đã hình thành từ năm 1996 và được đánh giá là thành công ngoài mong đợi của cả nhà đầu tư, các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư.
Cũng theo đánh giá của chuyên gia thì với ưu thế của các KCN tại Hải Phòng là trình độ kỹ thuật ngày càng cao, thậm chí đã có một số KCN đi trước một bước về quy hoạch, môi trường, các công trình tiện ích như KCN VSIP, DEEP C (Đình Vũ), Nam Cầu Kiền… thì việc xây dựng các KCN sinh thái là việc phải làm để hiện thực hoá mục tiêu thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Tại Việt Nam, từ năm 2013, Bộ KH&ĐT đã triển khai thực hiện thí điểm tại 3 địa phương là Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ, đến nay đã được 5 năm và đã có những kết quả tích cực. Vậy còn ở Hải Phòng?
Trên cơ sở biên bản ghi nhớ hợp tác, đến tháng 10-2019 vừa qua 200m đường giao thông (trong tổng số 1.400m) sử dụng nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức ra mắt và đưa vào sử dụng tại KCN DEEP C. Theo các kỹ sư của Công ty TNHH DOW-doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ về các giải pháp phát triển bền vững thì trên đoạn đường 1.400m sẽ sử dụng tới 9 tấn nhựa ni lon tương đương với khoảng 2 triệu túi ni lông làm thành phần cấp phối bê tông nhựa asphalt thay cho việc phải dành một diện tích đất không nhỏ để chôn lấp và mất hàng trăm năm mới có thể tiêu huỷ, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Đỗ Quang Hưng-Phó Tổng Giám đốc KCN Đình Vũ cho biết: Sau giai đoạn thí điểm, được UBND thành phố đồng ý, DEEP C sẽ triển khai xây đường nhựa rác thải trên toàn tổ hợp KCN.
Song song, DEEP C cũng đã triển khai cộng sinh công nghiệp về nước thải. Theo đó, nước thải của doanh nghiệp sau khi xử lý tập trung tại nhà máy của KCN với công suất 6000m3/ngày đêm, đạt tiêu chuẩn cột B sẽ được tái sử dụng cho tưới cây, cứu hoả, làm mát thiết bị… Dự án trên đã giúp tăng cường năng lực về công nghệ xử lý nước thải, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, giảm chi phí cho các nhà đầu tư.
Chưa hết, trong những ngày cuối năm 2019, những lô thiết bị đầu tiên của dự án sản xuất điện mặt trời, điện gió tại KCN DEEP C cũng đã cập cảng Hải Phòng. Dự kiến, đầu năm 2020 này những cột điện gió sẽ được hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động, sản xuất ra những KW điện sạch, thay vì sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống đang ngày càng cạn kiệt như than, khí gas…hoặc làm biến đổi môi trường như thuỷ điện. DEEP C cũng đặt ra mục tiêu có thể tự chủ và cung cấp một phần điện cho các doanh nghiệp sản xuất trong KCN, từ đó giảm áp lực cho Tổng Công ty điện lực Việt Nam.
Cùng với DEEP C thì KCN Nam Cầu Kiền cũng đang nỗ lực những bước đi đầu tiên để chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Hàng loạt các công trình tiện ích như hệ thống cầu cảng, trạm biến áp, hồ điều hoà sinh học, thu gom, xử lý nước thải, đường giao thông, tỷ lệ cây xanh, phòng thí nghiệm…đã được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chí của KCN sinh thái.
Cùng với trang thiết bị là con người, Công ty CP Shinec-chủ đầu tư đã phối hợp thành lập cụm PCCC cũng như xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường. Hàng năm, các đơn vị tham gia đều bố trí lực lượng tổ chức diễn tập các tình huống giả định, từ đó tạo sự chủ động, phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
Mới đây, KCN Nam Cầu Kiền cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Trung tâm giảm thiểu carbon khu vực châu Á và thành phố Kitakyushu-Nhật Bản trong tiến trình hỗ trợ triển khai xây dựng KCN sinh thái. Mục tiêu hướng tới đó là nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, đặc biệt là xây dựng các mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất giữa các doanh nghiệp trong KCN, từ đó giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng dân cư xung quanh KCN. Đây cũng là giải pháp phát triển bền vững góp phần xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Có thể bạn quan tâm