Ăm ắp Cù Lao Dung
Cù Lao Dung sinh ra bởi muối mặn của cha biển, phù sa của mẹ sông, ngày vẫn đôi lần giao nhau mặn - ngọt.
Thứ đất - nước trong vùng giao hòa ấy sinh ra ngàn thứ, cái gì cũng có thể nuôi được người.
Thứ đất - nước trong vùng giao hòa ấy sinh ra ngàn thứ, cái gì cũng có thể nuôi được người.
Giữa hai cửa biển Định An và Trần Đề, thuộc con rồng thứ bẩy và thứ chín của Cửu Long Giang có cù lao
Dung (huyện Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng), hình tam giác cân rộng hơn 23 nghìn héc ta.
Giàu tư Bần
Tranh thủ con nước lớn, anh nông dân Quốc Được, người Cù Lao Dung dáng cao gầy nhưng rắn rỏi, đưa tôi đi xuồng bồng bềnh qua các con rạch với những rặng bần trải dài vút tầm mắt. Những trái bần màu xanh sai trĩu quả …
Bần có sức sống mạnh mẽ, trong môi trường nước mặn – ngọt – lợ, ở đâu bần cũng bén rễ và phát triển tốt. Không ai biết chắc cây bần bén duyên rễ với Cù lao Dung từ khi nào, chỉ biết, Cù lao Dung có rừng bần phòng hộ lớn nhất và dài nhất cả nước với diện tích khoảng 2.600 ha cả rừng nguyên sinh và rừng trồng.Bần nở hoa, kết trái quanh năm, nhưng thường chín rộ vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Bông bần màu trắng phớt hồng. Trài bần lúc còn xanh có vị chua, chát. Lúc chíntới vừa ngọt vừa chua. Trái bần chín rụng xuống, sóng xô tới đâu, cây mọc tới đó, cứ thế phát triển thành rừng.
Ở ĐBSCL, Cù Lao Dung là một trong rất ít cù lao có điều kiện tự nhiên đa dạng, chịu tác động của cả 3 dòng: mặn - ngọt - lợ.
Rừng bần Cù lao Dung không chỉ là nơi trú ngụ của các loài sinh vật tôm cúa, cá, dơi, khỉ… mà còn có ý nghĩa quan trọng với đời sống người dân, cân bằng hệ sinh thái, chắn sóng, bảo vệ hệ thống đê biển.
Không giống như nhiều cây khác, rễ bần vươn lên mặt đất, từ rễ cái, bần mọc ra nhiều rễ ở xung quanh, ăn xuống lòng đất tạo thành bức tường thành vững chãi, nhờ vậy, rễ bần có tác dụng giữ đất rất tốt, mặc cho gió dập sóng vùi, mặc cho những biến đổi dòng chảy của tự nhiên, bần vẫn bám đất giữ lấy từng hạt phù sa, bồi đắp cho Cù lao Dung thêm màu mỡ, vững vàng.
Hiện bãi bồi tự nhiên của Cù Lao Dung rộng khoảng 600 ha mỗi năm vẫn tiếp tục vươn ra biển Đông.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa bần chín, ông Nguyễn Văn Oãnh (người dân vẫn gọi chú Ba), đều vào rừng lượm bần chín, mỗi ngày vài trăm nghìn đồng. Nước sớm ông đi sớm, hôm nào mưa thì vất vả hơn, nhưng quả bần, với nhiều cách chế biến bột bần, mứt bần, nấu chua, nấu lẩu mắm bần… đã trở thành kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình như ông Oãnh.
Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ cơ sở sản xuất nước cốt bần Cù Lao Dung chia sẻ, thời chống Mỹ, Pháp, rừng bần che chở và nuôi du kích, nhưng ông không khỏi trăn trở, rừng bần già khoảng 1.300 ha, rừng bần non và bãi bồi khoảng 1.320 ha, như vậy, sản lượng bần chín rụng hàng năm có thể lên tới vài trăm ngàn tần. Phát huy chuỗi giá trị cây bần, hiệu quả kinh tế sẽ không thua kém các cây có trái khác.
“Ngọc quý” trên dòng Hậu Giang
Sở hữu vẻ đẹp nên thơ, sông nước hữu tình với những nét đặc trưng riêng, Cù Lao Dung có điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Nơi đây có nhiều địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long (Triều Nguyễn) như rạch Long Ẩn, rạch Trường Tiền; hay vùng đất linh thiêng có tên gọi Sân Tiên nằm ở cuối Cù Lao, hội tụ đầy đủ những điều kiện để đầu tư xây dựng khu văn hóa tín ngưỡng, phát triển du lịch tâm linh.
Du lịch về nguồn tại Cù Lao Dung gắn với truyền thống cách mạng và các di tích lịch sử như Di tích cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ, Bia Chiến thắng Rạch Già, Bia Chiến thắng An Hưng, Bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng…
Du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn tại Cù Lao Dung cũng rất hấp dẫn với nhiều hoạt động phong phú như: tham quan nhà vườn, hái trái cây; nghe hát đờn ca tài tử; khám phá rừng phòng hộ nguyên sinh hơn 1.400 ha; trải nghiệm ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi thủy triều rút tại bãi nghêu rộng hơn 800 ha; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của Đảo khỉ; đi thuyền trên sông, tham gia hành trình tìm lại 1 trong 9 cửa sông Cửu Long…
Anh Diệp Văn Hoàng, ấp rạch chốt, xã An Thạnh Ba, Cù Lao Dung - một con rái cá của vùng bãi bồi kể lại, người ta bảo con rồng thứ tám, dòng Ba Thắc mảnh mai đắm đuối trong tình yêu với đại dương mà hoài thai nên vùng đất Cù Lao Dung. Vùng đất ấy được sông mẹ trút hết sinh lực phù sa, nuôi vâm váp, vươn ngực ra biển. Mẹ sông sau cuộc sinh nở vĩ đại, như mãn nguyện, tự ẩn thân, chút dấu vết còn lại là sông Cồn Tròn hôm nay.
Vừa giơ con cá bống sao vừa bắt được, anh Hoàng bảo: Đất khó có đâu màu mỡ hơn, mía ở đây cho năng suất có lẽ cao nhất cả nước, tới 200 tấn/ha Nước ở đây tôm, cá, cua đặc sịt, con gì cũng béo, ngọt, đến ong trong rừng bần năm cũng cho ba lần vắt mật.
Ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyện ngày xưa khẩn hoang, be bờ, mở đất, chuyện đánh Tây bằng tầm vông, mã tấu, chuyện đánh Mỹ bằng cách đóng cọc, căng dây thép bắt “bo bo”… mới thấy, trong cái cuồn cuộn, vật vã của vòng thiên tạo, chất người xứ ấy cũng như đất - nước: mạnh mẽ và dữ dội, rộng bụng và thẳng ngay.
Mới thấy người ta nói quả không sai rằng, với những tiềm năng về vùng đất và con người, Cù Lao Dung như một viên ngọc quý đang cần được đầu tư, khai thác.