Thanh Hóa: Hàng loạt doanh nghiệp ra quân sản xuất
Hôm nay, ngày 30/1/2020 (ngày mùng 6 Tết Nguyên đán) hàng loạt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng loạt ra quân sản xuất, cụ thể hóa kế hoạch năm 2020 đã đề ra.
Trong đó phải kể đến lễ ra quân sản xuất tại các nhà máy sản xuất mía đường trên địa bàn như Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan và Công ty CP Mía đường Nông Cống thời điểm qua Tết Nguyên đán cũng là thời điểm chính vụ của sản xuất mía đường.
Đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn, cho biết: Niên vụ ép 2019-2020, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đặt ra kế hoạch thu mua khoảng 700.000 tấn mía nguyên liệu và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về thu mua, sản xuất trước ngày 10/4/2020.
Để thuận lợi cho việc thu mua kịp thời, bảo đảm chất lượng mía nguyên liệu, công ty đã bố trí 230 phương tiện hỗ trợ người dân thu hoạch và vận chuyển mía về nhà máy; đồng thời, phối hợp với chính quyền, các HTX tổ chức kiểm kê, thanh toán kịp thời cho bà con nông dân. Được biết, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, công ty cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai các mô hình thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cải tạo và đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất, bảo đảm kịp thời, hiệu quả cho niên vụ 2020-2021.
Cũng trong buổi sáng ngày hôm nay, trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ; Công ty TNHH Hatuba đã tổ chức lễ ra quân sản xuất trong năm 2020. Những năm qua, Hatuba là một công ty hàng đầu tại Thanh Hóa trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông. Năm 2019, công ty tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động, doanh số đạt 25,7 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2020, công ty phấn đấu đạt doanh số 40 tỷ đồng và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Trước đó, ngày 29/1/2020 (ngày 5 Tết Nguyên đán) Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cũng ra quân, đồng loạt khởi động các dây chuyền sản xuất. Hiện tại, doanh nghiệp này có 3 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất thiết kế đạt 550.000 tấn/năm, doanh thu hàng ngìn tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho gần 600 lao động. Các sản phẩm mang thương hiệu Tiến Nông hiện có mặt tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước và đã xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Nhờ thực hiện tốt các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thị phần của các mặt hàng phân bón do Tiến Nông sản xuất ngày càng được mở rộng, với doanh thu tăng từ 15-20%/năm.
Ông Lê Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, cho biết: Năm 2020, đơn vị đặt mục tiêu sản xuất 150.000 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng. Để tiếp tục phát triển với vị thế vững chắc trên thị trường phân bón, Tiến Nông xác định sẽ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất, đưa ra thị trường những dòng phân bón chất lượng, đáp ứng 50% nhu cầu phân bón cho nông dân toàn tỉnh. Đơn vị cũng định hướng tiếp tục xây dựng 200 nhà phân phối, 10.000 điểm bán hàng chính hãng để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trên toàn quốc.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Năm 2020 được xác định là năm mang tính chất quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, trong ngày mai (mùng 7 Tết Nguyên đán), các nhà máy sản xuất xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Công Thanh sẽ chính thức ra quân sản xuất. Tiếp theo đó, trong ngày mùng 10 tết (3/2), hàng trăm doanh nghiệp dệt may, giày da trong tỉnh cũng sẽ đồng loạt bước vào sản xuất.
Năm 2020, dự kiến, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 151.300 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Với mong muốn trong năm, bằng quyết tâm, nỗ lực của các doanh nghiệp cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tỉnh về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính... của chính quyền địa phương sẽ là những điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.