Điều chỉnh Công viên Ấn tượng Hội An, chuyện đã rồi

Nguyễn Hoàng 11/02/2020 13:19

Việc điều chỉnh liệu có sửa được những sai sót trong đầu tư xây dựng công trình Công viên Ấn tượng Hội An đang là câu hỏi được dư luận đặt ra với Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam

Sau nhiều lo ngại về  việc phá vỡ quy hoạch, và bảo đảm chung cho phát triển đô thị Hội An giai đoạn đến 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã "mạnh tay" xử lý cắt gọt, giảm mật độ xây dựng Công viên Ấn tượng Hội An – công trình xây dựng trên cồn bãi sát với phố cổ Hội An gây ra nhiều lo ngại và tranh cãi của các nhà khoa học và quản lý đô thị.

Công viên Ấn tượng Hội An xây dựng trên cồn bãi sát nách với phố cổ Hội An với nguồn vốn hơn 43 triệu USD.

Công viên Ấn tượng Hội An xây dựng trên cồn bãi sát nách với phố cổ Hội An với nguồn vốn hơn 43 triệu USD.

Mạnh tay “cắt gọt”

Trong Quyết định Phê duyệt điều chỉnh cục bộ, cập nhật Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) tổng mặt bằng dự án Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” tại phường Cẩm Nam, thành phố Hội An do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn ký đã mạnh tay "cắt gọt" xử lý nhiều hạng mục xây dựng của công trình từ  23,7% xuống còn 19,81%. Nhưng chiều cao công trình vẫn giữ nguyên 16,5 m.

Đây là công trình được xây dựng trên cồn bãi sát với phố cổ Hội An gây ra nhiều lo ngại với các nhà khoa học cũng như qui hoạch kiến trúc ảnh hưởng đến khu đô thị cổ Hội An nằm trong khu vực bảo vệ của khu đô thị cổ có tuổi đời hơn 500 năm được công nhận là Di sản Thế giới mà Quảng Nam đang quản lý.

Theo quyết định qui hoạch do ông Nguyễn Khánh Toàn ký một số nội dung được manh tay cắt gọt điều chỉnh như: Bỏ hạng mục khu nhà hát trong nhà 1.000 chỗ ngồi với diện tích hơn 2.800 m2, bố trí lại khu cây xanh và mặt nước; Bỏ hạng mục câu lạc bộ với diện tích hơn 422 m2, bố trí hạng mục công trình lưu trú; giảm diện tích khu vực lưu trú từ 3.322,9 m2 xuống còn 3.186,6 m2, bổ sung thêm khu nhà hàng – tiếp tân rộng hơn 925 m2…

Không chỉ những hạng mục chính được điều chỉnh mà  một số hạng mục nhà hàng, khu phố thương mại được loại bỏ, thay thế công trình khác hoặc điều chỉnh quy mô theo chiều hướng giảm diện tích xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng cục Du lịch:p/“Công viên Ấn tượng Hội An là sản phảm du lịch sáng tạo tiêu biểu”

    Tổng cục Du lịch: “Công viên Ấn tượng Hội An là sản phảm du lịch sáng tạo tiêu biểu”

    11:12, 19/08/2018

Theo quy hoạch mới được phê duyệt hôm 16/1/2020, chỉ tiêu mật độ xây dựng được điều chỉnh giảm từ 23,7% xuống còn 19,81%. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại theo các nhà qui hoạch chỉ tiêu chiều cao nhà hát ngoài trời vẫn được giữ nguyên ở mức tối đa 16,5 m; các hạng mục còn lại cao tối đa 2 tầng (10,5 m).

Nguyên nhân giữ nguyên nhà hát ngoài trời có chiều cao 16,5 m phá vỡ cảnh quan đô thị cổ Hội An do đã được xây dựng xong và đưa vào khai thác sử dụng từ nhiều năm nay.

Không chỉ nhà hát ngoài trời tại công viên Án tượng Hội An có chiều cao trên 16 m mà còn một số khách sạn nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Khu đô thị cổ Hội An-Di sản Thế giới xây dựng bằng bê tông cốt thép phá vỡ cảnh quan của Khu đô thị cổ nhưng đến nay chính quyền địa phương Quảng Nam vẫn chưa xử lý.

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, việc tỉnh Quảng Nam ra quyết định điều chỉnh quy hoạch khu công viên Ấn tượng Hội An vừa qua là do lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các nhà qui hoạch và những người dân yêu mến, tâm huyết với Hội An góp ý kiến bày tỏ lo ngại việc xây dựng công trình bê tông cốt thép ngay trên cồn bãi sát với phố cổ Hội An sẽ tác động lớn đến môi trường cảnh quan, ảnh hưởng đến dòng chảy. Điều đặc biệt là phá vỡ cảnh quan của di sản văn hóa thế giới Hội An.

Những quan điểm trái chiều

Kiến trúc sư N.X.H đề nghị không nêu tên và nhiều nhà qui hoạch kiến trúc và quản lý đô thị cho rằng việc cấp phép xây dựng với chiều cao tối đa lên tới 16,5 m là vi phạm quy định của chính quyền TP. Hội An đã thống nhất đưa ra từ hàng chục năm trước và qui định hành lang bảo vệ khu Di sản Thế giới.

Nhiều Kiến trúc sư và quản lý đô thị đề nghị không nêu tên đã đặt câu hỏi việc cấp phép xây dựng công trình tại Công viên Ấn tượng Hội An của cơ quan chức năng Quảng Nam đã đảm bảo đúng qui hoạch và qui định trong việc bảo tồn khu đô thị cổ Hội An?

Dự án Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” được UBND tỉnh Quảng Nam cho triển khai năm 2016. Ảnh: Minh Hải.

Dự án Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” được UBND tỉnh Quảng Nam cho triển khai năm 2016. Ảnh: Minh Hải.

Ông H. cũng như nhiều nhà khoa học cho rằng việc cấp phép cho xây dựng công trình trên 16,5 m tại khu công viên Ấn tượng Hội An cũng như một số khách sạn cao tầng nằm sát bên phố cổ trong khu vực bảo vệ của cơ quan chức năng Quảng Nam và chính quyền Hội An trong thời gian qua là có nhiều điều khuất tất cần phải được làm rõ.

Nhớ lại thời điểm năm 2018, khi dư luận bày tỏ ý kiến lo ngại về khu công viên Ấn tượng Hội An, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An từng nhận định rằng công trình trên có nhiều điều khó hiểu. Ngay thời ông còn đương nhiệm việc xây dựng công trình bê tông cốt thép vượt quá chiều cao theo qui định đều được xử lý nghiêm.

"Tại Hội An, khu nghĩa địa cũng được qui định chiều cao của mỗi khu mộ. Nếu xây vượt chiều cao qui định là buột phải đập bỏ. Còn đối với khu công viên Ấn tượng Hội An mọi thủ tục, mọi vấn đề đều là khuất tất.", ông Nguyễn Sự nói.

Theo lời ông Sự, khi còn đương chức việc quản lý đô thị cổ Hội An rất nghiêm ngặt từng chi tiết. "Nói điều này không phải đổ thừa cho anh em tiền nhiệm hay cơ quan chức năng của tỉnh. Bởi bất kỳ công trình xây dựng tại Hội An từ lớn đến nhỏ đều phải có giấy phép xây dựng. Đối với công trình như Công viên Ấn tượng Hội An có tổng vốn đầu tư 43 triệu USD phải đảm bảo theo đúng qui định của pháp luật. Đến hôm nay, tôi đảm bảo nếu hỏi anh em lãnh đạo địa phương cũng không biết giấy phép xây dựng là cái gì, đánh giá tác động môi trường ra sao. Khi công trình đưa vào khai thác sử dụng mới có giấy phép xây dựng thì hỏi có khuất tất không?", ông Nguyễn Sự nhấn mạnh.

Khi được hỏi hạng mục nhà hát ngoài trời cao 16,5 m có vượt chiều cao qui định tại khu vực bảo vệ cảnh quan khu đô thị cổ Hội An, một đại diện chủ đầu tư của dự án này cho biết hạng mục nhà hát ngoài trời cao 16,5 m đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ nhiều năm nay.

Phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Hội An giai đoạn đến 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu xây dựng Hội An trở thành đô thị loại 2 vào năm 2020, với tính chất đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch phát triển bền vững giàu bản sắc của tỉnh và quốc gia. Khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố Hội An nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, bảo tồn và phát triển để phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, thúc đẩy quá trình hội nhập, liên kết phát triển vùng và khu vực, tạo tiền đề tăng trưởng xanh, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đó là nhiệm vụ của các cấp chính quyền và hệ thống chính trị của cả tỉnh Quảng Nam cần phải gìn giữ khu đô thị cổ Hội An an toàn. Nhưng đồng thời phải phát triển Hội An thành Đô thị chuyên ngành Du lịch, văn hóa của tỉnh và quốc gia; Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm văn hóa và lễ hội mang tính dân tộc cấp quốc gia, đủ năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế; Phát triển đô thị Hội An là đô thị thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu. Nhưng không phá vỡ qui hoạch và tác động xấu đến cảnh quan môi trường của khu đô thị cổ hơn 500 năm-Di sản Thế giới là một thách thức đòi hỏi các cấp chình quyền Quảng Nam suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định đầu tư bất kỳ công trình nào tại khu đô thị cổ Hội An đừng để chuyện đã rồi không thể xử lý.

Nguyễn Hoàng