Du lịch biển Hà Tĩnh có nguy cơ bị “bức tử” vì nước thải
Hàng ngàn m3 nước thải từ khu dân cư, cơ sở chế biển thủy hải sản, kho đông lạnh… không qua xử lý được xả thẳng ra bờ biển.
Thực trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm nay tại xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tính, đang có nguy cơ “bức tử các hoạt động du lịch biển ở tỉnh Hà Tĩnh.
Thản nhiên xả nước thải ra bờ biển
Những ngày qua, người dân xã Thạch Kim hết sức lo lắng khi nước thải không qua xử lý được đổ thẳng bãi biển, gây ô nhiễm môi trường. Tại cống nước thuộc thôn Long Hải, nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy qua kè chắn sóng ra bờ biển.
Theo người dân, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm này là do nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trên địa bàn chưa qua xử lý đều được đổ trực tiếp ra cống nước chạy thẳng ra biển. Điều đáng nói hơn, cách bãi biển này chừng 500m là bãi biển du lịch Xuân Hải (thuộc xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà), mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách.
Một người dân thôn Long Hải cho biết, trước đây, nước thải sinh hoạt được xả theo hệ thống dẫn nước ra cống chạy thẳng ra biển, nhưng từ khi xây dựng kè chắn sóng, người ta đào đất ngăn cho nước mặn vào thì nước bị ứ lại, bốc mùi hôi thối. Mỗi khi trời trở gió phải đóng kín cửa, vì mùi hôi theo hướng gió bay vào rất khó chịu.
Được biết, dọc tuyến đường tỉnh lộ 9 đã được xây dựng hệ thống mương thoát nước, tuy nhiên đây là hệ thống thoát nước mưa chứ không phải nước thải sinh hoạt. Nhiều hộ dân đã tận dụng hệ thống này để thoát nước thải sinh hoạt, nhất là nước thải từ các kho đông lạnh, cơ sở chế biến thủy hải sản.
Cũng theo người dân, nếu không xả theo hệ thống nước thoát thải này thì họ cũng không biết xả ra đâu, bởi tình trạng đất chật, người đông không còn diện tích để làm công trình xử lý nước thải.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Người dân sống chung với nước thải sinh hoạt
11:23, 13/02/2020
Tp Vinh “nhốt” người dân sống chung với nước thải
19:52, 12/02/2020
Doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải nhìn từ kinh nghiệm của Hà Lan
11:00, 09/01/2020
VCCI: Không nên tăng phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt
06:00, 02/06/2019
Nước thải bệnh viện vẫn... xả tự nhiên
05:30, 28/04/2019
Đề xuất mới về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
11:30, 19/04/2019
Khó giải “bài toán” nước thải
Xã Thạch Kim được ví như “phố cổ” Hà Tĩnh bởi mang dáng dấp chật chội của đô thị với những con đường chỉ rộng trung bình 2m, có nơi chỉ 1m. Trước đây nước thải chủ yếu chảy ra hố đào sẵn rồi thấm xuống lòng đất, sau nhiều năm, lượng nước thải quá lớn dẫn đến tình trạng quá tải, nước tràn lên mặt đường gây ngập úng và mất vệ sinh. Ước tính trung bình mỗi ngày xã Thạch Kim có hàng trăm m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý chảy ra biển.
Ông Biện Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim phân trần: “Công tác xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do tình trạng đất chật, người đông. Những năm qua, địa phương cũng tập trung mọi nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông gắn với làm đường và mương thoát nước. Tuy nhiên, đây là hệ thống thoát nước mưa nhưng một số hộ kết nối xả nước thải sinh hoạt qua hố ga rồi chảy ra cống”.
Qua tìm hiểu, tại xã Thạch Kim hiện có bến xe cá của HTX Hùng Mạnh, 7 kho đông lạnh và nhiều cơ sở chế biển thủy hải sản đang hoạt động trong khu dân cư. Nước thải từ bến xe cá, các kho đông lạnh này được chảy xuống các mương nước “theo lộ trình” như nước thải sinh hoạt và đổ thẳng ra những bờ biển.
“Chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, khảo sát tháo gỡ khó khăn này cùng địa phương. Việc không có hệ thống xử lý nước thải, không chỉ gây ô nhiễm đến đời sống của người dân mà ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển, nhất là ngành du lịch biển, khi khu vực này chỉ cách bãi biển du lịch Xuân Hải chỉ khoảng 0,5km”, ông Cường kiến nghị.