Du lịch Khánh Hòa Kỳ II: Giải pháp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Du lịch Khánh Hòa đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận với những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Khánh Hòa cần có những chiến lượt dài hơi.
Khách sạn tăng, nhu cầu lưu trú không tăng
Theo báo cáo của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa, doanh thu du lịch đạt 27.100 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2018, lượng du khách đến Khánh Hòa trong 02 năm 2017 và 2018 đạt gần 12 triệu lượt khách, bằng 80% tổng lượt khách đến trong 05 năm từ 2010 - 2015, đặc biệt khách quốc tế đạt 4,9 triệu lượt khách (năm 2019 đạt hơn 7 triệu lượt khách). Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra về phát triển du lịch trở thành ngành kính tế mũi nhọn đến năm 2020 là một thách thức lớn (tổng thu từ du lịch mới chỉ đạt 20.524/70.000 tỷ đồng; thu hút 8,5 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế).
Còn theo đánh giá của đoàn giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, tổng số cơ sở lưu trú du lịch tính đến tháng 6/2019 đạt 49.187 buồng khách sạn đã vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2020. Tuy nhiên, buồng khách sạn quy mô từ 3-5 sao chỉ chiếm 67% (chỉ tiêu đề ra đến năm 2020: buồng khách sạn quy mô từ 3-5 sao chiếm 70%) và điều đáng lo ngại là công suất phòng chỉ đạt từ 50% đến 62% (năm 2018 đến tháng 6/2019). Điều này cho thấy, số lượng buồng khách sạn tăng đột biến nhưng nhu cầu về lưu trú của khách du lịch không tăng.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển thị trường khách hiện nay chưa rõ ràng, thiếu tính khoa học và không nhạy bén với sự biến động của kinh tế và chính trị; chiến lược kinh doanh của các công ty du lịch thiếu bền vững và lâu dài về thị trường khách du lịch quốc tế, đang còn bị động phụ thuộc vào một vài thị trường khách lớn (thị trường khách du lịch quốc tế đến từ Châu Âu giảm từ 15-20% so với cùng kỳ, thị trường khách Trung Quốc chiếm trên 59% cơ cấu khách quốc tế và khách Nga chiếm 12% cơ cấu khách quốc tế, dẫn đến tiềm ần rủi ro do phụ thuộc vào một số ít thị trượng); kích cầu du lịch nội địa chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp.
Đặc biệt, việc triển khai Chương trình hành động số 14 còn nhiều hạn chế như: chưa có những chính sách dài hạn để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực, ngành nghề du lịch, nhất là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; chưa có ưu đãi đầu tư đối với vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch nhưng khả năng tiếp cận hạn chế; chưa khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, dịch vụ mang tính chiến lược.
Giải pháp dài hạn
Theo ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19, tập trung xây dựng các giải pháp thị trường để nhanh chóng phục hồi, thúc đẩy các hoạt động du lịch sớm nhất có thể; Kết hợp tổ chức các chương trình kích cầu ưu đãi sản phẩm dịch vụ trên địa bàn và hỗ trợ thanh toán không tiền mặt nhằm kích thích chi tiêu của khách quốc tế khi đến Khánh Hòa…
Về chiến lượt dài hơi, ông Trần Việt Trung kiến nghị lãnh đạo tỉnh cho phép Sở Du lịch triển khai các bước quy trình nghiên cứu, xây dựng “Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2030 và định hướng 2040” trên cơ sở tiếp tục cụ thể hóa các vấn đề đã được nghiên cứu tại Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch Khánh Hòa đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” và đồng thời phù hợp tiến độ triển khai “Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa”. Đối với vấn đề này, Sở Du lịch đang gặp khó khăn về quy trình thực hiện theo Luật Quy hoạch và nguồn kinh phí thuê tư vấn lập đề án.
Trong khi đó, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh cần tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, cần sớm hoàn thiện và ban hành chiến lược phát triển, xác đinh cơ cấu du lịch; phát triển đồng thời du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Phát triển sản phẩm du lịch phải mang tính bền vững, có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp; đa dạng thị trường khách du lịch, tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Du lịch Khánh Hòa Kỳ I: Thừa khách sạn, thiếu chỗ chơi
00:07, 03/03/2020
Khánh Hòa: Ngân hàng chung tay hỗ trợ khắc phục thiệt hại do SARS-CoV-2
11:19, 26/02/2020
Ông Nguyễn Tấn Tuân được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
10:29, 21/02/2020
Khánh Hòa: Yêu cầu các Sở ngành hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ theo Nghị định 67
13:53, 19/02/2020
Ngoài ra, trong quá trình phát triển cần bố trí quỹ đất thích hợp để phát triển cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí, nhà bảo tàng, trung tâm biểu diễn và hội chợ... tạo ra “sân chơi” và phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu người dân, du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, các mục tiêu, định hướng, giải pháp về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch so với thực tiễn đã có nhiều thay đổi cần được nghiên cứu, đổi mới để triển khai thực hiện trong thời gian tới đối với các loại hình du lịch sinh thái, biển đảo, nghĩ dưỡng....
Cũng theo ông Thân, thực hiện hiệu quả công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch, gắn kết du lịch Khánh Hòa với các tỉnh duyên hải Miền Trung, các trọng điểm du lịch nhằm tạo ra sản phẩm mang tính đồng bộ, độc đáo, phát huy được tiềm năng du lịch, liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch, kết nối điểm đến và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch để tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm, cách thức quản lý, khai thác phát triển du lịch; qua hợp tác quốc tế sẽ góp phần giữ vững chủ quyền Quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.