Liên kết để kích cầu du lịch ĐBSCL
TP Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác phát triển, kích cầu du lịch với 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL nhằm tạo ra sản phẩm dịch vụ mới mẻ, độc đáo giữ chân du khách trong và ngoài nước.
Liên kết phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL là cơ sở để các tỉnh, thành trong liên kết cùng tìm những giải pháp phát huy tiềm năng, nội lực của mỗi địa phương trong phát triển du lịch, góp phần thay đổi diện mạo du lịch phía Nam.
Trong bối cảnh du lịch đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, liên kết này được kỳ vọng sẽ phát huy tiềm lực khi các tỉnh, thành trong liên kết chung tay đưa ra các giải pháp ứng phó để kích cầu du lịch trong mùa dịch.
Lao đao vì dịch bệnh
Tại Bạc Liêu, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đều gặp khó khăn, do lượng khách giảm, kinh doanh du lịch ngày càng teo tóp. Ông Trương Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP du lịch Hồ Nam cho biết, do tác động tiêu cực của dịch bệnh, Công ty đã cho công nhân viên nghỉ luân phiên 25%, cắt giảm mọi chi phí để duy trì hoạt động. “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kích cầu du lịch cần quan tâm đến việc giảm thuế, giãn thuế và nợ ngân hàng, giảm lãi suất... Có như vậy, thì các doanh nghiệp du lịch mới sống xót qua mùa dịch”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại Vĩnh Long, hiện có gần 5 doanh nghiệp du lịch chuyên nghiệp, nhưng đều gặp khó khăn do lượng khách giảm mạnh. Mặc dù vậy, khu du lịch Vinh Sang vẫn quyết tâm duy trì hoạt động trong thời buổi khó khăn của dịch COVID-19. Ông Huỳnh Công Đức, Bộ phận truyền thông của Khu du lịch Vinh Sang cho biết, Khu du lịch Vinh Sang đã thực hiện vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn cho du khách như xịt thuốc sát khuẩn mỗi ngày, đo thân nhiệt du khách, phát khẩu trang và bán gói kích cầu trò chơi có khuyến mãi...Vì vậy, đến giờ khu du lịch này vẫn duy trì khoảng 40-50% du khách trước đây.
Tại Cần Thơ, tình hình có vẻ khả quan hơn, điển hình là Làng du lịch Ông Đề. Ông Lê Hải Phúc, Giám đốc Làng du lịch Ông Đề chia sẻ: “Sở dĩ Làng du lịch Ông Đề vẫn thu hút đông đảo lượng khách thăm quan là do chúng tôi đảm bảo công khai công tác phòng chống dịch, như tất cả các nhân viên được đo thân nhiệt mỗi ngày và bắt buộc phải đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, chúng tôi phun xịt thuốc diệt khuẩn toàn khu mỗi ngày, xe khách đến mô tô đến khu du lịch cũng đều được phun xịt thuốc diệt khuẩn. Đối với khách du lịch, chúng tôi kiểm tra đo thân nhiệt, phát khẩu trang và rửa tay bằng thuốc sát khuẩn. Với cách làm như vậy, chúng tôi duy trì được 100- 200 lượt khách mỗi ngày”.
Chung tay ứng phó
Ông Thái Quốc Lưu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cho biết, trong tuần qua, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức họp để nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp trong mùa dịch. Tỉnh đã ghi nhận các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp du lịch như: Giảm lãi suất, giãn nợ, kích cầu du lịch, giảm giá vé du lịch nhưng đảm bảo chất lượng phục vụ, đảm bảo môi trường du lịch an toàn cho du khách… và sẽ trình các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết kiến nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là sớm kiểm soát được dịch bệnh, nhưng trong thời gian trước mắt cần tích cực có các giải pháp kích cầu du lịch nội địa để giúp các doanh nghiệp cầm cự qua mùa dịch.
Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL tỉnh Tiền Giang, nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng sẽ phối hợp cùng với các địa phương thực hiện các nội dung kích cầu du lịch. Riêng Tiền Giang, trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ tập trung tái cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao chất lượng điểm đến, để khi sau dịch, khi du khách quay lại sẽ thấy được diện mạo mới với những sản phẩm mới, dịch vụ tốt hơn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL TP. Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ cũng có chiến dịch riêng để ứng phó với tình hình dịch COVID-19. Chúng tôi chú trọng an toàn cho du khách, định hướng xây dựng hệ thống và bản đồ điểm đến an toàn dành cho khách du lịch. Về chương trình kích cầu, Cần Thơ cũng đang triển khai đến các doanh nghiệp và sẽ nhanh chóng đưa ra trong tháng 3 này”.
Với việc các địa phương đồng lòng xây dựng các chương trình ứng phó dịch bệnh, kích cầu và quảng bá du lịch vùng, thì du lịch ĐBSCL được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục và có nhiều thay đổi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.