Bình Thuận: Nhiều giải pháp định hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Dương Thành 27/03/2020 07:46

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ban, ngành của tỉnh Bình Thuận đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

Thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác và nâng cao thu nhập cho người nông dân Bình Thuận.

Thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác và nâng cao thu nhập cho người nông dân Bình Thuận.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bình thuận, trong 02 tháng đầu năm 2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh như thanh long, tôm thương phẩm,…

Trong đó, thanh long là mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Kim ngạch xuất khẩu thanh long 02 tháng đầu năm chỉ bằng 78,15% so cùng kỳ về mặt giá trị. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu đối với nhóm hàng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 20,2 triệu USD; nhóm hàng nông sản ước đạt 0,89 triệu USD, giảm 55,39% so với cùng kỳ.

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, về phát triển trồng trọt, ngành đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tập trung đối với các cây trồng lợi thế của tỉnh như thanh long và các loại nông sản hàng hóa có giá trị khác.

Để phát triển chăn nuôi, ngành chuyển mạnh chăn nuôi sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường, đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, gia cầm.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Thuận: Nhiều giải pháp định hướng phát triển nông nghiệp bền vững

    Bình Thuận: Nhiều giải pháp định hướng phát triển nông nghiệp bền vững

    21:46, 26/03/2020

  • Trên 80 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19

    Trên 80 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19

    21:57, 26/03/2020

  • Bình Thuận đón dòng vốn đầu tư kỷ lục

    Bình Thuận đón dòng vốn đầu tư kỷ lục

    13:00, 22/09/2019

  • Bình Thuận có đủ cơ hội và điều kiện để phát triển xanh và bền vững

    Bình Thuận có đủ cơ hội và điều kiện để phát triển xanh và bền vững

    12:21, 22/09/2019

Đối với thủy sản, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, giữ vững chất lượng và thương hiệu tôm giống Bình Thuận trên thị trường… Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững hơn.

Ngoài ra, việc trang bị, áp dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Cơ giới hóa được áp dụng thực hiện đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch ngày càng được phổ biến, giúp cho nông dân có cơ hội, có điều kiện thâm canh, tăng vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng, chủ động trong sản xuất. Từng bước thực hiện công nghiệp hóa sản xuất trong nông nghiệp, tiến tới sản xuất tập trung, tăng dần quy mô canh tác, giảm chi phí, tăng cao năng suất lao động và thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất.

Nhưng, theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp cần phải tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn được tiếp cận các chính sách khuyến khích hỗ trợ như về đào tạo, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tham gia hội chợ triển lãm, chính sách thuế, vay vốn để được hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước…

Được biết, trước đó UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ cho các hộ nông dân, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết. Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm trong 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã. Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…

Như vậy có thể thấy, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã và đang từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.

Dương Thành