Doanh nghiệp Bắc Kạn song hành phát triển cùng địa phương
Hiệp hội DN tỉnh Bắc Kạn đã liên tục đổi mới trong hoạt động, phát huy vai trò cầu nối giữa các DN hội viên với chính quyền tỉnh, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư,SXKD.
Những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Bắc Kạn đã liên tục đổi mới trong hoạt động, phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với chính quyền tỉnh, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Báo DĐDN đã có buổi trao đổi với ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch HHDN tỉnh Bắc Kạn về nội dung này.
- Xin ông cho biết những nét mới trong hoạt động của HHDN tỉnh Bắc Kạn những năm gần đây?
Trong giai đoạn 2015 - 2017, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, cùng các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp bàn giải pháp nhằm khôi phục hoạt động của Hiệp hội. Nhờ đó, tháng 10/2017, HHDN Bắc Kạn đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2016-2021, bầu Ban chấp hành gồm 25 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 07 đồng chí.
Hiệp hội đã từng bước kiện toàn tổ chức và dần hoạt động ổn định, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng xây dựng, nâng cao văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh; đoàn kết hợp tác hỗ trợ lẫn nhau; tích cực tham gia các hoạt động xã hội…
Hiện, công tác phát triển hội viên được chú trọng hơn và HHDN thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục gia nhập hội viên. Mục tiêu đến năm 2021, HHDN tỉnh Bắc Kạn sẽ có 150 thành viên, giải quyết việc làm cho 10.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước mỗi năm trên 700 tỷ đồng.
- Đánh giá của ông về việc phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp?
Với vai trò là cầu nối để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp, Hiệp hội thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của hội viên. Từ đó, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tham mưu với chính quyền tỉnh tổ chức gặp mặt đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện vai trò đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp hội viên; tăng cường tổ chức kết nối hợp tác, phát triển giữa các hội viên với nhau và với doanh nghiệp tỉnh bạn.
Mới đây, Hiệp hội đã ký kết các Chương trình phối hợp với Sở NN&PTNT, Hội Liên hiệp Phụ nữ; Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó, HHDN đã ký kết với Sở Tư pháp Chương trình phối hợp về theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp...
- Ông có thể nêu những kiến nghị của HHDN với tỉnh Bắc Kạn nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự đột phá về điểm số và thứ hạng về PCI?
Những năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt các sở, ban, ngành, địa phương, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bắc Kạn đã có sự cải thiện.
Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá PCI của VCCI thì tỉnh vẫn còn xếp vào nhóm trung bình của cả nước. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thứ hạng PCI, tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:
Thứ nhất, các cấp, ngành liên quan cần thực hiện tốt Kế hoạch 243 của UBND tỉnh Bắc Kạn tuyên truyền về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Thứ hai, xem xét ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật cho doanh nghiệp địa phương tạo việc làm cho người lao động.
Thứ ba, tập trung đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao, nhất là các dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; giải quyết dứt điểm và kịp thời các khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo; Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các DNNVV. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, quảng bá thương hiệu; tăng cường xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp Bắc Kạn có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
- Xin cảm ơn ông!