Thanh Hóa: Hơn 2.100 cơ sở chăn nuôi lợn “ngấm đòn” dịch tả lợn châu phi

Kiều Phiên 12/04/2020 04:30

Sau khi “ngấm đòn” dịch tả lợn châu Phi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhiều cơ sở chăn nuôi không còn khả năng tái đàn lợn, chính vì vậy đã khiến 2.163 cơ sở phải chuyển hướng vật nuôi khác.

Trước dịch tả lợn châu Phi tại Thanh Hóa, chăn nuôi lợn chiếm 65-70% tỷ trọng của ngành chăn nuôi. Mặc dù dịch tả lợn châu phi đã được dập tắt nhưng khả năng tái đàn là rất khó bởi sau ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch.  

Ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa vẫn rơi vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng và mất cân đối. Mặc dù các địa phương đã triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch nhưng do chưa có vắc-xin, thuốc điều trị bệnh nên gặp nhiều khó khăn.

Cùng với việc tập trung phòng, chống dịch, vấn đề cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi một cách hợp lý, mạnh mẽ để phát triển bền vững đang là bài toán khó cần các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa quan tâm tìm lời giải.

Trang trại trên địa bàn xã Đông Hoàng

Hiện tại có 2.163 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chuyển từ nuôi lợn sang những vật nuôi khác

Hiện nay trên toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2.163 cơ sở chăn nuôi lợn chuyển đổi sang vật nuôi khác, với các đối tượng nuôi, gồm: Gia cầm 437.867 con; 189 trâu, bò; dê 1.462 con và thỏ 2.500 con. Đa số các cơ sở thực hiện chuyển đổi đều là các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn đã từng bị hoặc thuộc vùng đã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các cơ sở sau khi chuyển đổi vật nuôi đều tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết: các cơ sở sau khi chuyển đổi đều tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Việc chuyển đổi đã và đang góp phần quan trọng giúp các địa phương kiểm soát dịch bệnh; đồng thời, bảo đảm nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Ngoài ra, người chăn nuôi và các địa phương cần tính toán để mở rộng quy mô đàn vật nuôi, bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm ổn định, tránh tình trạng khủng hoảng thừa thịt và các sản phẩm từ gia cầm. Bên cạnh đó, cần thực hiện các chính sách khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, con giống, giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay để đầu tư sản xuất cần ưu tiên, khuyến khích những hộ nông dân, doanh nghiệp chuyển sang nuôi những vật nuôi khác nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Kiều Phiên