Hà Nội nỗ lực "hóa giải" áp lực tăng trưởng
Để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm, 9 tháng cuối năm Hà Nội phải tăng trưởng ở mức 8,6%.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI, ngày 22/4.
Áp lực chỉ tiêu tăng trưởng
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng, đây là chỉ tiêu rất cao, phải hết sức nỗ lực mới có thể hoàn thành. Nếu không đạt mức tăng trưởng trong năm 2020, tính chung giai đoạn 5 năm (2016-2020), thành phố cũng không đạt kế hoạch đề ra là từ 7,3 đến 7,8%. Đây là 1 trong 13 chỉ tiêu mà Đảng bộ thành phố trước đó đã đặt ra.
Để thúc đẩy tăng trưởng, ông Quyền đề nghị các sở, ngành, quận huyện tiếp tục tập trung vào nhóm 136 nhiệm vụ của UBND thành phố. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tái đàn lợn, đẩy mạnh nuôi trồng cây ngắn ngày, hạn chế nhập khẩu; phát triển lĩnh vực thông tin truyền thông, thương mại điện tử, thanh toán online; ngoài ra cần quan tâm đến một số lĩnh vực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 như sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế... “Đặc biệt, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh công tác đấu thầu đối với những dự án đã được phê duyệt; thúc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đối với các dự án thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Quyền lưu ý.
Đối với 27 xã chưa đạt nông thôn mới, Giám đốc Sở KH&ĐT đề xuất cho phép giao nhiệm vụ này cho Sở NN&PTNT làm viêc với các địa phương để được tham mưu, giải quyết dứt điểm.
Còn theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay các doanh nghiệp của thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu, nhất là từ các nước Mỹ, EU. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đang trên đà phục hồi và ổn định. Về xuất khẩu, ông Thăng cho biết, một số thị trường đang bị phong tỏa do các nước chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Các đơn hàng sản xuất trong quý II và trước đó bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát, doanh thu các đơn vị thương mại Hà Nội giảm 6-10%, duy chỉ có lương thực, thực phẩm tăng 2-4%. Giám đốc Sở Công Thương cũng nhận định, mảng dịch vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quý II. Tuy nhiên, giải pháp tăng xuất khẩu trong quý II cũng rất khó vì các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU chưa có dấu hiệu nào khả quan.
Ở khía cạnh khác, khi xuống làm việc với các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, ông Thăng được biết, 19 cụm công nghiệp đã có quyết định triển khai xây dựng, nhưng duy nhất một cụm được giải phóng mặt bằng. “Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng xong, nhưng trong khu công nghiệp lại có đơn vị tách ra, nên lại làm thủ tục từ đầu. Với các ban, ngành địa phương việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đều chậm 1-9 tháng”, Giám đốc Sở Công Thương cho biết.
Trao đổi về doanh thu du lịch tại quận Hoàn Kiếm, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, dịch COVID-19 làm giảm tới 60% doanh thu của quận trong 6 tháng đầu năm. Quận kỳ vọng quý 3, 4 lượng khách sẽ tăng dần trở lại. “Quận kiến nghị thành phố lập kịch bản riêng cho lĩnh vực du lịch, để “giải cứu” ngành này. Trong đó, bao gồm phát triển hoạt động văn hóa, xã hội, khai thác du lịch nội địa, phân loại khách du lịch nước ngoài”, ông Tuấn đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Phát hiện sai phạm tại CDC Hà Nội khi mua thiết bị xét nghiệm COVID-19
16:38, 22/04/2020
Hà Nội thông qua chủ trương triển khai 2 dự án đường sắt đô thị
14:40, 22/04/2020
[COVID-19] Hà Nội là địa phương duy nhất nằm trong nhóm nguy cơ cao, đề xuất cách ly xã hội thêm 1 tuần
12:36, 22/04/2020
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Hà Nội không bỏ quên “mặt trận” kinh tế!
10:25, 22/04/2020
Người dân Hà Nội đổ ra đường trước ngày hết cách ly xã hội
09:13, 22/04/2020
Giải pháp phục hồi kinh tế
Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn chia sẻ, trong quý I/2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề bởi dịch COVID-19, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu ngân sách trên địa bàn.
Cùng với việc tích cực triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, Cục Thuế thành phố đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Cục Thuế cũng đặt ra kịch bản cụ thể nhằm bù đắp nguồn thu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2020.
Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế như thực hiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đôn đốc quyết liệt những công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 9/1/2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố và triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh.
Ngoài ra, thành phố tổ chức thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết Quốc hội đã ban hành; triển khai nhanh, kịp thời cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.