Doanh nghiệp cá tra "khát" kho lạnh dự trữ
Do đầu ra khó khăn, giá cá tra tại ĐBSCL đang xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi doanh nghiệp rất thiếu kho lạnh đễ trữ hàng.
Tại buổi làm việc tại tỉnh An Giang của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường chiều 7/5 để lắng nghe ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tra và các ngành liên quan, nhiều doanh nghiệp than khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời cũng kiến nghị nhiều giải pháp về nuôi, chế biến, xúc tiến thương mại, vốn…
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid- 19 nên giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài các tháng đầu năm 2020. Hiện giá cá tra thương phẩm dao động từ 18.200 - 18.500 đ/kg (đối với size cá 0,8 - 1 kg), (đối với size cá lớn hơn 1 kg có giá 17.800 - 18.000 đ/kg). Với giá thu mua hiện tại, người nuôi cá tra vẫn tiếp tục bị lỗ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc cổ phần tập đoàn Nam Việt (An Giang) cho rằng, giá cá tra năm 2018 đỉnh cao là 36.000 đồng/kg. Mỗi lần giá cá lên thì sau đó là “cơn sóng thần” lại ập xuống rớt giá thê thảm như hiện nay chỉ còn 16.000 đồng/kg-thấp nhất lịch sử. Lý do giá cá bấp bênh là khi giá cá cao thì nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá dẫn đến cung vượt cầu, rớt giá.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 đạt 6.205 ha (tăng 15% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,72 triệu tấn (tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018); kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD (giảm 11,4% so với năm 2018). Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng ngành hàng cá tra chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng về xuất khẩu theo kế hoạch.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, các tháng đầu năm 2020, dịch Covid 19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh của nhiều quốc gia. Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30/3/2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc, cho biết: giá cá tra thương phẩm xuống thấp kéo dài từ năm 2019 đến đầu 2020 và gặp dịch bệnh dẫn đến thiệt hại nặng cho nông dân và doanh nghiệp. Hiện có hộ treo ao hoặc cho ăn cầm chừng. Các doanh nghiệp và hộ nuôi rất khó khăn về vốn, nợ xấu gia tăng. Không riêng các doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và thức ăn thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề. Tồn kho ở các doanh nghiệp chế biến cá tra còn nhiều.
Theo ông Quốc để khắc phục khó khăn trong thời giang tới, ngành nông nghiệp cần thúc đẩy việc cải thiện chất lượng giống cá tra, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến các thị trường mới.
“Các bộ ngành cần có dự báo thị trường xuất khẩu tương đối để từ đó Bộ NN&PTNT đưa ra chương trình quy hoạch, kế hoạch sản xuất nhằm đáp ứng cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa phù hợp. Ngành Ngân hàng cần có chính sách ưu đãi về giảm, giãn lãi vay và cho vay trung dài hạn lãi suất thấp để doanh nghiệp xây dựng nguồn kho lạnh dự trữ cá tra vì hiện nay rất thiếu kho lạnh đễ trữ hàng”, ông Quốc kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam đã tự tin khi xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ?
05:00, 11/11/2019
Xuất khẩu cá tra: Nhiều mảng tối tại một số thị trường trọng điểm
00:03, 27/11/2019
Kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ hồi phục trong năm 2020
16:03, 11/12/2019
Xuất khẩu cá tra: Liên kết để phát triển bền vững
00:06, 18/12/2019
Xuất khẩu cá tra sang ASEAN "thăng trầm" theo diễn biến dịch COVID-19
02:30, 30/04/2020