Tiền Giang vượt qua hạn, mặn

Phan Nam - Lê Trang 25/05/2020 02:40

Hàng trăm nghìn m3 nước ngọt được cấp phát miễn phí kịp thời không chỉ cứu khát cho hàng vạn ha cây ăn trái mà còn làm mát lòng người dân.

Đó là cách mà chính quyền Tiền Giang cùng người dân vượt qua cơn hạn, mặn chưa từng có trong lịch sử. 

Trong cái nắng gay gắt như đổ lửa giữa tháng 5, chúng tôi cùng đoàn công tác của UBND tỉnh Tiền Giang len lỏi giữa các vườn sầu riêng của xã Cẩm Sơn để khảo sát thực tế. Nhiều vườn sầu riêng đang đồng loạt bung đọt hồi sinh mạnh mẽ.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao đổi với chị Đinh Thị Hạnh, ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao đổi với chị Đinh Thị Hạnh, ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy.

Cứu khát, mát lòng

Đứng giữa vườn sầu riêng rộng gần 5.000 m2 sắp cho thu hoạch trái, chị Đinh Thị Hạnh, ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy không giấu nổi niềm vui: “Nhờ có nguồn nước ngọt được cấp miễn phí cho người dân kịp thời mà vườn sầu riêng của gia đình tôi không những được bảo toàn mà còn cho thu hoạch 6 tấn trái trong vụ này. Với giá hiện tại cũng mang về cho gia đình khoảng 250 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Sáu, ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy phấn khởi nói với chúng tôi rằng: Người dân trong xã mừng lắm, mấy ngày nay độ mặn giảm nhanh, có thể dùng nước ở kênh tưới được rồi. Nếu như đợt hạn, mặn vừa qua không kịp thời có nước ngọt cấp miễn phí của chính quyền thì các vườn sầu riêng khó có thể trụ vững và xanh tốt như hiện giờ. Điều này không chỉ cứu khát cho hàng hàng vạn ha cây ăn trái mà còn làm mát lòng người dân.

Trên đường rời Cẩm Sơn, khoát tay về phía những rặng sầu riêng bắt đầu đơm bông, khuôn mặt ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang rạng rỡ: Mùa mưa đang đến gần, độ mặn giảm nhanh, đến thời điểm này có thể khẳng định chính quyền và người dân Tiền Giang đã thành công trong nỗ lực vượt qua hạn, mặn chưa từng có trong lịch sử. Đây là thắng lợi kép trong bối cảnh hạn, mặn cao điểm diễn ra trùng với dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Kiểm tra thực địa đã trở thành hoạt động thường xuyên và máy đo độ mặn là vật bất ly thân của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Nhờ vậy, những quyết sách kịp thời đã được đưa ra, những chỉ đạo đôn đốc thực hiện đã được triển khai.

Trên thực tế, tình hình xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 diễn biến phức tạp, độ mặn trên các sông tăng cao đột biến, xâm nhập mặn sớm hơn so cùng kỳ năm 2015 - 2016 khoảng 30 - 45 ngày, lấn sâu vào nội đồng tỉnh Tiền Giang từ 03 hướng đó là từ cửa sông Tiền; từ sông Hàm Luông - tỉnh Bến Tre lấn sang; từ sông Vàm Cỏ phía Long An và luôn duy trì ở mức cao. Độ mặn cao nhất vượt qua đỉnh mặn lịch sử năm 2016 rất nhiều, ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ Đông Xuân của khu vực Gò Công và vườn cây ăn trái các huyện phía Tây của tỉnh.

Chủ động ứng phó

Theo ông Lê Văn Hưởng, nhờ các biện pháp tích cực của tỉnh ứng phó hạn mặn, thiệt hại đã giảm thiếu tối đa. Đối với vụ lúa Đông Xuân 2019 – 2020, Tiền Giang đã bảo vệ cho thu hoạch 57.604/57.604 ha, năng suất 67,5 tạ/ha, sản lượng 388.827 tấn. Đặc biệt, đã bảo vệ thu hoạch 24.477 ha, sản lượng 140.648 tấn tại vùng ngọt hóa Gò Công. Diện tích rau màu các loại đã thu hoạch 27.798 ha/30.150 ha, sản lượng thu hoạch 536.704 tấn, sản lượng thu hoạch cây ăn trái 495.154 tấn.

Vượt qua hạn, mặn và có được kết quả trên là nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền Tiền Giang. Các ngành, các cấp có sự chuẩn bị và thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, mặn từ khâu lập kế hoạch, xây dựng phương án đến thực hiện nên đã chủ động đối phó trong trường hợp bất lợi có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông Hưởng cho rằng: Xâm nhập mặn, ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, tác nhân trữ nước, khai thác nước của các nước thượng nguồn sông MêKông có tác động rất lớn, do đó cần phải nghiêm túc nhìn nhận việc xâm nhập mặn ngày càng cao, tần suất xuất hiện mặn lịch sử là rất lớn. Việc rà soát lại quy hoạch thủy lợi của từng vùng dự án, bố trí cây trồng vật nuôi theo hướng né tránh hạn mặn là việc làm cần thiết cho giai đoạn đầu tư 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Chúng tôi ấn tượng mãi với câu hỏi ông Hưởng dành cho chị Hạnh khi đứng trong vườn sâu riêng: Qua đợt hạn, mặn này chị rút ra được điều gì cho riêng mình? “Phải cải tạo, nạo vét lại hệ thống trữ nước ngọt trong vườn để chủ động bảo vệ tài sản của mình thưa Chủ tịch”- chị Hạnh trả lời.

“Hạn mặn và cơn khát đi qua, những mùa quả ngọt vẫn về, niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền trở nên đong đầy. Đó là thành quả lớn nhưng quan trọng hơn đã có những bài học được rút ra, đặc biệt là sự tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó đối với hạn hán, xâm nhập mặn. Chống hạn mặn không thể thành công nếu không có sự đồng lòng, chủ động của người dân.”- ông Hưởng chia sẻ.

Phan Nam - Lê Trang