Cà phê doanh nhân Tuyên Quang: Lãnh đạo cùng doanh nghiệp bàn chuyện phát triển bền vững
Ngày 25/5, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh Tuyên Quang tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 5 với chủ đề “Đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh”.
Với mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần phải tiếp tục thực hiện sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả cao hơn nữa.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Tuyên Quang tăng lên hàng năm. Năm 2019, Tuyên Quang đạt 65.13 điểm, xếp thứ 32 trên bảng xếp hạng, tăng 2 bậc so với năm 2018 và nằm trong nhóm các tỉnh có điểm số khá.
Ông Chẩu Văn Lâm - Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, thông qua Chương trình Cà phê doanh nhân, Lãnh đạo tỉnh và các sở ban, ngành đã lắng nghe những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Trong thời gian tới các sở, ngành tiếp tục khắc phục những hạn chế để lắng nghe và giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Giai đoạn tới với mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững, cùng điều kiện cạnh tranh ngày càng lớn, nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần phải tiếp tục thực hiện sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả cao hơn nữa, ông Chẩu Văn Lâm đã đề nghị.
Bên cạnh đó, ông Chẩu Văn Lâm cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở ngành thời cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời triển khai hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Các ngành, địa phương cần rà soát, phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần còn ở mức thấp để có những giải pháp phân tích làm rõ nguyên nhân đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục. Đối với Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân mạnh dạn hơn nữa trong đầu tư sản xuất kinh doanh với cơ cấu ngành nghề hợp lý, mở rộng kinh doanh các ngành nghề trực tiếp sản xuất, chú trọng ứng khoa học công nghệ và đổi mới dây chuyền sản xuất; tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh…
Các doanh nghiệp cũng đưa ra các ý kiến, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh năm 2020 như quy hoạch các khu công nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục hành chính; giãn nợ cho doanh nghiệp; công tác bảo hiểm, tạo việc làm ổn định cho người lao động; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch…
Ông Vi Thế Mạnh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Linh Lực chia sẻ: Về chính sách đầu tư, Tuyên Quang đã thực hiện theo chính sách chung, nhưng tập trung thu hút đầu tư bằng sự cải thiện môi trường kinh doanh. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tuyên Quang đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư như quy hoạch, đất đai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương, các cơ hội, dự án đầu tư cụ thể,… nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
Tại chương trình, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Tuyên Quang đã tổ chức phát động và hưởng ứng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp tổ chức đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp thành viên; tổng hợp nhu cầu tìm hiểu về thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên; kêu gọi và động viên cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà tỉnh đang mời gọi đầu tư hoặc lĩnh vực có lợi thế trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu của địa phương để sản xuất, kinh doanh; vận động doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; ký kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường trao đổi thông tin về các dự án đầu tư; thông tin thị trường; thúc đẩy việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp; đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm…
Chương trình Cà phê doanh nhân là kênh thông tin đối thoại cởi mở giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác đối thoại để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất.