2/12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương ở Hải Phòng ra sao?
Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng đang “ngấp nghé” thoát khỏi danh sách thua lỗ, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ vẫn đang lỗ nặng.
Hải Phòng là số ít địa phương “sở hữu” tới 2 dự án trong 12 dự án bê bết của ngành Công thương trên địa bàn: Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng (Nhà máy DAP Hải Phòng) và Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Nhà máy xơ sợi Đình Vũ). 2 dự án này nằm sát nhau trong Khu công nghiệp Đình Vũ.
Sáng sủa nhất trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương là Nhà máy DAP Hải Phòng. Cho đến nay, đây là dự án duy nhất đang được xem xét đưa ra khỏi danh sách đen này. Tuy nhiên, đã có lãi 3 năm gần đây, nhưng Nhà máy DAP Hải Phòng vẫn lỗ lũy kế 215,4 tỷ đồng nên vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc đưa ra khỏi danh sách thua lỗ.
Dự án Nhà máy DAP Hải Phòng do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam góp 64% vốn điều lệ. Dự án khởi công tháng 7/2003 chạy thử tháng 4/2009, vận hành thương mại năm 2010, hoàn thành, bàn giao tháng 3/2012. Đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là 1.248 tỷ đồng, tổng tài sản là 1.991 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 770 tỷ đồng, nhưng còn lỗ lũy kế 215,4 tỷ đồng.
Từ năm 2017 đến nay, Nhà máy DAP Hải Phòng sản xuất ổn định, luôn có lãi. Mặc dù thị trường phân bón gặp khó khăn nhưng năm 2019 đơn vị này vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 6,262 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ do Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 325 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) và đi vào vận hành thương mại từ tháng 3/2014 với công suất 500 tấn xơ sợi/ngày.
Từ khi chạy thử đến chính thức, nhà máy liên tục thua lỗ. Trong 2 năm vận hành, nhà máy thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Do lỗ nặng, đến ngày Nhà máy xơ sợi Đình Vũ buộc phải dừng hoạt động vào ngày 17/9/2015.
Ngày 20/4/2018, nhà máy vận hành lại 3 dây chuyền DTY của phân xưởng sợi Filament và nâng lên 6 dây chuyền từ ngày 1/11/2018, sau đó tăng lên 10 dây chuyền. Từ ngày 8/5/2019, PVTEX đưa thêm 2 dây chuyền DTY vào hoạt động. Kết quả vận hành ban đầu cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, theo báo cáo gửi Quốc hội, trong nhóm dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vẫn không thoát khỏi cảnh thua lỗ. Cụ thể, đến ngày 31/8/2019 lỗ lũy kế của nhà máy là hơn 5.120 tỷ đồng, tăng lỗ 12% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng nợ phải trả là 7.806 tỷ đồng.
Ngày 5/6, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì phiên họp chuyên đề của Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương. Theo đó, Phó thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, các tập đoàn, tổng công ty đánh giá, phân loại từng dự án theo 3 nhóm.
Nhóm 1: Gồm các dự án phục hồi có lãi.
Nhóm 2: Gồm các dự án có thể tái cơ cấu để phục hồi chuyển lên nhóm 1.
Nhóm 3: Gồm các dự án không thể tái cơ cấu, phục hồi, kiên quyết cho phá sản, giải thể, hoặc phương án khác để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
12 dự án thua lỗ về “Siêu Uỷ ban” liệu có “hồi sinh”?
10:56, 14/07/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 10: DAP 1 - Hải Phòng tự tin bước ra khỏi “danh sách đen”
13:50, 13/04/2019
12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Dư nợ chạm ngưỡng 21.000 tỷ đồng
04:00, 21/05/2020
Xử lý 12 dự án thua lỗ: Hãy để thị trường quyết định
04:05, 04/04/2020