Quảng Nam muốn tái cơ cấu thị trường du lịch
Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tổ chức Hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp phục hồi ngành du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Hội thảo muốn hướng tới mục tiêu phát triển thị trường, sản phẩm du lịch mới cho ngành du lịch Quảng Nam qua các chuyên đề: “Cơ cấu thị trường chiến lược cho du lịch trong thời gian đến”; “Định hướng phát triển du lịch tàu biển”; “Bảo tồn và phát huy di sản trong phát triển du lịch”; “Nhận diện thương hiệu du lịch Xanh cho Quảng Nam”; “Các giải pháp công nghệ truyền thông và kỹ thuật số hướng đến du lịch trải nghiệm, du lịch xanh”; “Gia tăng doanh thu cho du lịch từ dữ liệu (Big database)” và “Giới thiệu bộ tiêu chí xanh cho du lịch Quảng Nam”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng việc tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới của tỉnh Quảng Nam. Sau một thời gian ngành du lịch “đóng băng” do dịch Covid-19, ngành du lịch cần trờ lại đúng vị trí của mình để dành dần khôi phục kinh tế, đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Để đạt được các mục tiêu đưa ra, hơn hết cần sự hợp tác của cộng đồng làm du lịch và toàn xã hội cùng nhau bắt tay hành động để tạo đà khôi phục du lịch. Từ những hành động nhỏ nhất sẽ xây thêm nhiều “ước mơ” phát triển ngành du lịch xanh dựa trên những nền tảng bền vững.” Ông Phan Xuân Thành cho biết.
Quan điểm của Hiệp hội du lịch Quảng Nam rằng khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng cũng là cơ hội chúng ta cùng nhìn lại chặng đường du lịch đã trải qua, bắt buộc cộng đồng phải đồng hành tìm giải pháp thích nghi, đổi mới trong hoạt động du lịch nhằm tăng sức đề kháng và khả năng ứng phó khủng hoảng; đồng thời định hướng phát triển du lịch theo mô hình du lịch xanh - kinh tế tuần hoàn cho Quảng Nam. Hội thảo là động thái tích cực, thể hiện sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp theo hướng đi mới, bền vững mang tính đột phá cho lĩnh vực du lịch tỉnh nhà trong thời gian đến.
Theo ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã có tới 19% doanh nghiệp du lịch đã tạm dừng hoạt động và giảm quy mô, trên 90% nhân sự dịch vụ du lịch thất nghiệp và 98% nhân sự ngành hàng không ngừng hoạt động. Khoảng 47,000 doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo đã báo cáo về nhu cầu cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, bởi hầu hết, đó là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tiềm lực tài chính eo hẹp và cơ sở vật chất thuê mướn nhiều hơn là sở hữu.
“Những con số như vừa nêu là những con số chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, trong khi chúng ta đánh giá tác động và tìm hiểu bối cảnh mới của du lịch Việt Nam, thì cũng cần phải lưu ý rằng khủng hoảng này cũng tạo cho chúng ta một cơ hội để thay đổi cách thức tiếp cận của mình nhằm xây dựng lại ngành du lịch nhưng theo một cách thức khác, bền vững và kiên cường hơn.” Ông Michael Croft chia sẻ.
Cùng trao đổi tại Hội thảo, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư thành ủy Hội An cho rằng đại hạ giá không phải là kích cầu. Theo ông Sư việc tái cơ cấu là vấn đề lâu dài, nhưng vấn đề quan trọng hiện nay đó là các doanh nghiệp trụ đến bao giờ?
“Trước mắt từ đây đến cuối năm chỉ có khách nội địa. Việc cần làm là tái cơ cấu sản phẩm phục vụ khách nội địa sẽ dần dần phục hồi, để các doanh nghiệp có thêm động lực để vượt qua thời điểm này. Bên cạnh đó, việc thu thuế đối với các doanh nghiệp vẫn còn khá nặng nề, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc miễn giảm thuế đến cuối nay. Để các doanh nghiệp tự tin mở cửa hoạt động chứ nếu cứ “im thin thít” như thế thì lấy gì để phục hồi, để tái cơ cấu?” - ông Nguyễn Sự trao đổi.
Có mặt tại Hội thảo, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết quan điểm phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam phải theo hướng bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh, phải mang tính chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và huy động có hiệu quả nguồn lực trên địa bàn; phát triển đồng thời cả khách du lịch nội địa và khách quốc tế.
“Chúng ta cần phải quán triệt quan điểm trên và cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra.”Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, việc tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải có tầm nhìn chiến lược, được thực hiện dựa trên những phân tích, đánh giá một cách khoa học, vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đồng thời phải trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ông Thanh cho rằng thị trường nội địa là mục tiêu trước mắt hướng đến cho du lịch Quảng Nam. Tập trung thu hút khách du lịch từ các thị trường ở các khu vực trọng điểm như: Hà Nội và Đông Bắc Bộ; TP Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung với mục đích nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần gắn với mục đích nghỉ dưỡng biển, ẩm thực, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa.
“Cùng với nhiệm vụ tái cơ cấu thị trường khách du lịch, chúng ta còn nhiều nhiệm vụ khác phải làm song song. Các Sở, Ban, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid -19; tăng cường củng cố lại hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, hướng đến du lịch xanh, tuần hoàn; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao theo cơ cấu hợp lý; đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và kinh doanh; cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng hiện đại chuyên nghiệp.” Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Có thể bạn quan tâm
Du lịch Quảng Nam: Chuyển mình hướng đến Festival di sản 2017
16:44, 31/05/2016
Núi Thành (Quảng Nam): Dân bức xúc vì đoàn xe công trình gây ô nhiễm
11:01, 07/06/2020
Vinamilk mang niềm vui uống sữa đến với trẻ em Quảng Nam
21:41, 02/06/2020
Quảng Nam: Vì sao gia hạn việc thanh tra mua máy xét nghiệm COVID-19 giá 7,23 tỷ đồng?
12:00, 20/05/2020