Chợ Gạo làm giàu trên vùng đất khó
Thanh long đã trở thành cây trồng truyền thống tại huyện Chợ Gạo – địa phương nằm trong nhóm các huyện thị vùng duyên hải phía Đông còn nhiều khó khăn của tỉnh Tiền Giang.
Nhằm chuyển đổi sản xuất vùng khó khăn đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân hưởng lợi và nông nghiệp nông thôn đổi mới, tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Chợ Gạo nói riêng chú trọng phát huy tiềm năng vườn cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu
Hiệu quả kinh tế từ cây thanh long
Huyện Chợ Gạo nổi tiếng với những vườn thanh long bạt ngàn đang mang lại cho người nông dân một nguồn lợi kinh tế lớn. Thanh long Chợ Gạo là một thương hiệu lớn trong ngành cây ăn quả tỉnh Tiền Giang, đã được thị trường công nhận. Thời gian qua, loại cây trồng này đã giúp cho không ít nông hộ làm giàu một cách bền vững.
Theo ông Trần Văn Hoà – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, cây thanh long thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, dễ trồng, năng suất cao và đầu ra thuận lợi.
Huyện Chợ Gạo hiện có khoảng 9.000ha trồng thanh long, trung bình trong năm, nông dân sản xuất 3 vụ, trong đó có 2 vụ nghịch và 1 vụ thuận đạt năng suất bình quân 30 tấn/ha. Giá bán bình quân 20.000đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, 10.000 đồng/ha đối với thanh long ruột trắng. Trừ chi phí, bà con lãi bình quân 400 triệu/ha đối với thanh long ruột đỏ và 200 triệu đồng đối với thanh long ruột trắng, cao gấp nhiều lần so với trồng độc canh cây lúa 3 vụ/năm.
Thời điểm trái vụ, có lúc giá thanh long lên mức kỷ lục, đạt từ 50.000 – 60.000đồng/kg thanh long ruột đỏ và 25.000 – 30.000kg/thanh long ruột trắng. Mỗi ha thanh long ruột đỏ có giá trị 750 triệu đồng/ha trở lên, trừ chi phí, người nông dân còn lãi trên 500 triệu đồng.
Hầu hết nông dân khi chuyển đổi từ trồng lúa hoặc cây trồng khác sang trồng chuyên canh thanh long đều “đổi đời”. Điển hình như ông Phạm Huy Phong trú tại ấp Bình Hoà, xã Long Bình Điền là một nông dân làm giàu từ cây thanh long. Thời gian đầu, ông Phong chỉ chuyển dần một phần đất sang trồng 6 công thanh long, sau đó thấy cây thích nghi tốt nên ông tiếp tục chuyển phần đất còn lại sang trồng thanh long. Hiện tại, hơn 1ha thanh long đã cho trái ổn định, số còn lại đang bắt đầu cho trái. Ông Phong chia sẻ: “Trồng thanh long không khó, chỉ tốn nhiều chi phí đầu tư trụ xi măng ở giai đoạn đầu, đất trồng phải xẻ rãnh đảm bảo thoát nước vào mùa mưa. Cần tăng cường kiểm tra vườn thường xuyên để phòng ngừa bệnh đốm trắng… thì vườn thanh long sẽ khoẻ, cho năng suất cao”.
Nâng cao chuỗi giá trị thanh long
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, toàn tỉnh Tiền Giang có gần 9.140 ha thanh long trồng chuyên canh, diện tích cho sản phẩm 6.585 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt gần 199.420 tấn. Toàn tỉnh có hơn 432 ha thanh long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, thanh long Chợ Gạo là thương hiệu cây ăn trái nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh của tinh Tiền Giang.
Thực tế cho thấy, cây thanh long không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp và làm thay đổi bộ mặt nông thôn của Tiền Giang.
Trong số hàng loạt HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện, có thể kể đến HTX thanh long Mỹ Tịnh An đang thu hút hơn 100 thành viên. HTX đang là đơn vị liên kết các nhà vườn tại địa phương phát triển mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị rất cao.
Bên cạnh Mỹ Tịnh An, HTX thanh long Chợ Gạo cũng là một trong những đơn vị điển hình trong khối kinh tế hợp tác tại huyện Chợ Gạo. Những năm qua, nhờ áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, HTX luôn đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng, được thị trường ưa chuộng.
Chợ Gạo nằm trong vùng duyên hải phía Đông tỉnh Tiền Giang, điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do hạn mặn hàng năm đe dọa, thiếu nước bơm tát, thiên tai thường xuyên gây hại. Mặt khác, do đất hẹp người đông trong khi trồng lúa luôn đối mặt nhiều rủi ro, điệp khúc “được mùa - mất giá", đầu ra hạt lúa bấp bênh khiến nông dân hết sức lo lắng.
Nhờ thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi sản xuất vùng khó khăn, phát huy vai trò các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản mà kinh tế, xã hội của huyện Chợ Gạo đã phát triển nhanh, bền vững, nông dân vượt khó thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Bên cạnh đó, với lợi thế cạnh tranh từ vườn chuyên canh cây ăn trái đã giúp đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới cũng như sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Ông Lê Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết, tính đến tháng 11/2019, Chợ Gạo đã có 11 xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới, 7 xã còn lại đang phấn đấu cuối năm 2019 sẽ đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới, và năm 2020, Chợ Gạo sẽ ra mắt huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tiền Giang, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.