Tiền Giang: Đột phá phát triển hạ tầng đô thị
Đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, Tiền Giang đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Theo ông Huỳnh Hữu Quyền, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang: Đánh giá được tầm quan trọng về vai trò của đô thị tại các địa phương và ý nghĩa của công tác phát triển đô thị đối với việc nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân, trong thời gian qua, Tiền Giang đã tập trung các nguồn lực cho công tác phát triển hạ tầng đô thị với việc đầu tư từ công tác quy hoạch đến công tác triển khai các dự án về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị với mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại và có định hướng đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai.
Phát triển hạ tầng khung
Chính vì vậy, Thành phố Mỹ Tho đã được công nhận là đô thị loại I vào năm 2016; thị xã Gò Công được nâng loại, công nhận là đô thị loại III vào năm 2018, phấn đấu thành Thành phố Gò Công vào năm 2025; thị xã Cai Lậy được nâng loại, công nhận là đô thị loại III vào năm 2020. Bên cạnh đó 8 đô thị được công nhận là đô thị loại V (thị trấn Cái Bè, thị trấn Mỹ Phước, thị trấn Tân Hiệp, thị trấn Chợ Gạo, thị trấn Vĩnh Bình, thị trấn Tân Hòa, thị trấn Vàm Láng và xã Bình Phú - huyện Cai Lậy). Tỉ lệ phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%. 100% đô thị đã có Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.
Tiền Giang đặc biệt đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP vào các dự án hạ tầng nhằm tạo bước đột phá về huy động vốn.
Ông Quyền cho biết: Để thúc đẩy tiến trình xây dựng kết cấu hạ tầng tiến tới đồng bộ và từng bước hiện đại, tỉnh đã xác định dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật kết nối hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh và nguồn lực thực hiện. Các dự án phát triển đô thị tỉnh Tiền Giang được đưa ra dựa trên các quy hoạch: Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020; Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; các đồ án quy hoạch chuyên ngành của quốc gia bao trùm tỉnh Tiền Giang; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang và các huyện; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Các dự án đề xuất để khắc phục các chỉ tiêu còn yếu còn thiếu mà các quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh chưa có.
Đa dạng hoá nguồn lực đầu tư
Hiện nay, Tiền Giang đang cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư. Tỉnh đã chú trọng khai thác các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các Chương trình phát triển và các cơ chế chính sách ưu đãi, đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đối với ngân sách do tỉnh quản lý, cân đối hiệu quả thu – chi ngân sách, khai thác tốt các nguồn thu ngân sách trên địa bàn, đặc biệt là các nguồn thu để lại; Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), đồng thời tranh thủ các nguồn tài trợ (NGO) tập trung vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP nhằm tạo bước đột phá về huy động vốn; Ưu tiên đầu tư theo hình thức BOT cho các dự án có khả năng hoàn vốn cao; Khai thác hệ thống cấp nước, cấp điện cho đô thị, quản lý các trung tâm thể thao, thương mại… (không hoàn trả bằng NSNN).
Đồng thời, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư: Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về danh mục các dự án đầu tư BOT, PPP; Kiện toàn các tổ chức huy động vốn, có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư như vay vốn ngân hàng lãi suất thấp đối với những dự án đặc biệt quan trọng, các dự án ở những khu vực đặc thù; Ưu tiên cho khai thác các dịch vụ liên quan dọc tuyến đường bộ (trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, trạm cân xe, quảng cáo, các công trình khác,...), miễn giảm thuế, thưởng tiến độ các dự án, hưởng chênh lợi nhuận nếu nhà đầu tư tiết kiệm chi phí xây dựng... Ban hành chính sách bảo lãnh doanh thu cho các dự án BOT, PPP, BTO trong đầu tư phù hợp với điều kiện đặc thù thời gian hoàn vốn dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro...
“Để thúc đẩy nhanh tiến trình này, Sở xây dựng sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa theo hướng hiện đại, kết nối điện tử; tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành trong giải quyết thủ tục hành chính ở lĩnh vực cấp phép xây dựng, cấp phép quy hoạch,...; kiến nghị cắt giảm tối đa thành phần của các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan trong việc phân công công chức thực hiện công việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh”- ông Quyền chia sẻ.