Lạng Sơn: DDCI với động lực cải cách và tăng trưởng kinh tế

Nguyễn Hà thực hiện 04/07/2020 08:36

Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2025; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích.

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; chủ động công tác dự báo, phòng chống dịch. Đặc biệt, tập trung nâng cao các chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, Ban, Ngành và địa  phương thuộc tỉnh (DCCI) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất trên địa bàn.

Qua đó, góp phần tái khởi động nền kinh tế, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh có những chia sẻ về nội dung này.

- Xin ông chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2020 trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19?

Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bị tác động lớn. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. Các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch... bị ảnh hưởng rõ rệt.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 1.320 triệu USD, giảm 42,9% so với cùng kỳ, trong đó: xuất khẩu đạt 640 triệu USD, giảm 52,9%; nhập khẩu đạt 680 triệu USD, giảm 28,4%; hàng xuất khẩu địa phương đạt 42 triệu USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 10/6, tỉnh có 165 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 1.234 tỷ đồng đạt 33% kế hoạch; đã có 97 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 5,8% và 56 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 14% so với cùng kỳ; có 54 doanh nghiệp thông báo Quyết định giải thể.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu để đảm bảo nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu để đảm bảo nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Là "vùng đất hứa" trong làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư ra các tỉnh, Lạng Sơn ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ sự đầu tư bài bản về hạ tầng, du lịch và sự sôi động của khu vực kinh tế cửa khẩu.

- Trước tình hình đó, tỉnh đã có những giải pháp nào để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ổn định đời sống nhân dân, thưa ông?

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động rà soát, đánh giá mức đô ̣thiệt hại của khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước. Cục Thuế tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 để hỗ trợ các doanh nghiệp theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

Tăng cường thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát để nhân dân, doanh nghiệp yên tâm, ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh. Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, toàn tỉnh đã chi trả và phê duyệt bổ sung cho các nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo 198.116 đối tượng, tổng kinh phí 163.454.138.000 đồng.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất giảm giá nước sạch sinh hoạt; phí, lệ phí và giá dịch vụ thiết yếu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; xem xét cơ chế miễn giảm/chậm nộp đối với một số loại thuế, phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, giảm, cho chậm nộp thuế GTGT, Thuế TNDN, và các loại thuế khác, giảm và gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất theo đề nghị của doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định tránh tình trạng lợi dụng tình hình trì hoãn thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, như chậm nộp hồ sơ khai thuế, chậm nộp tiền thuế… UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi miễn giảm phí bến bãi cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu.

- Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần tái khởi động nền kinh tế, những nhiệm vụ đặt ra cho Lạng Sơn trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Hiện nay, tuy dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát ở nước ta nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nguy cơ bùng phát cao. Do đó, tỉnh xác định tập trung dự báo đúng tình hình dịch bệnh để sẵn sàng phòng, chống, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bám sát Nghị quyết số 101/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, tăng cường trao đổi, đàm phán với lực lượng chức năng Trung Quốc để khôi phục và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn. Bảo đảm thông quan kịp thời, không để xảy ra ùn tắc hàng hóa, đồng thời thực hiện nghiêm quy định y tế về phòng, chống dịch.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt và vượt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công cũng như đầu tư ngoài ngân sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; triển khai Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 đạt hiệu quả cao.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2025; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hà thực hiện