Hải Dương: Trên “trải thảm”, dưới “đặt chông”
Công ty Đại Sơn và công luận đang đặt câu hỏi về việc Sở Xây dựng Hải Dương “om” hồ sơ, gây khó cho doanh nghiệp có nhằm mục đích vụ lợi hay không?
Những quyết định không thấu tình, đạt lý của lãnh đạo Sở Xây dựng Hải Dương sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút đầu tư - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đại Sơn với DĐDN.
Ông Bắc cho biết, năm 2002 bắt đầu làm dự án nhà máy sản xuất chăn ga, gối, đệm Canada Home Deco tại thành phố Hải Dương. Tại thời điểm đó, địa phương mới chỉ có 69 doanh nghiệp và ông Bắc là một trong số 69 nhà đầu tư đầu tiên, với tổng số vốn 1,8 triệu USD.
“Vực dậy” mảnh đất từ hố sâu 12 m
Khi nhà máy đi vào hoạt động, ông Bắc đã được lãnh đạo tỉnh là ông Hoàng Bình – Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương và ông Nguyễn Dương Thái – lúc đó là Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, kiêm trưởng phòng đăng ký kinh doanh (hiện đang đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương) giới thiệu một "khu đất" ở huyện Chí Linh để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đã gần hết một nhiệm kỳ nhưng tỉnh Hải Dương chưa thể xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp. Công ty Đại Sơn và công luận đang đặt câu hỏi về việc Sở Xây dựng Hải Dương “om” hồ sơ, gây khó cho doanh nghiệp có nhằm mục đích vụ lợi hay không?
Gọi “khu đất” nhưng thực chất là vùng hoang phế với những thùng và vũng sâu 4-12 m, do nhà máy đất sét Trúc Thôn và Công ty Khoáng sản Hải Dương khai thác nhưng không hoàn thổ.
Theo Thông báo số 70 năm 2004 của UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh đã chấp thuận cho đầu tư dự án tại khu vực này. Dự án ban đầu chỉ có 79 tỷ đồng, và chỉ cần tạo được 23 việc làm cho người lao động, với tên đầu tiên là Trung tâm Huấn nghệ Việt – Mỹ và khu nhà nghỉ dưỡng. Tổng số tiền ông Bắc và cộng sự là Việt kiều chi trả cho san lấp mặt bằng lên tới hơn 32 tỷ đồng, tương đương 2 triệu USD (2004) với hơn 2 triệu m3 đất.
Năm 2006 tỉnh Hải Dương hoàn tất các thủ tục cấp đất và sổ đỏ giao cho Công ty Đại Sơn.
Sau đó, Công ty Đại Sơn có cơ hội hợp tác với công ty Qualcom (Hoa Kỳ) và EVN (Việt Nam) để thành lập Công ty Cổ phần IQLinks.
Công ty Đại Sơn đã đồng ý bàn giao và chuyển nhượng lại 30.000 m2 (3 ha) của Công ty Đại Sơn cho IQLinks. Tỉnh Hải Dương cũng làm đúng thủ tục và ra quyết định thu hồi 3 ha giao cho IQLinks.
Sở KH&ĐT sau khi thẩm định dự án, báo cáo và xin ý kiến Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục thuế, Sở TN&MT cùng các ban, ngành có liên quan. UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500, với tổng mức đầu tư dự án là 196 tỷ đồng cho hạ tầng. Đây là phần do Công ty Đại Sơn tự bỏ tiền, từ san lấp mặt bằng đến các hạng mục công trình.
Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương là ông Nguyễn Mạnh Hiển (hiện là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương) ký cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất nhà nghỉ dưỡng 5,35 ha thành khu đô thị thị Đại Sơn, nằm trong dự án của Công ty Đại Sơn.
Tất cả các quyết định này đều được các Sở, ban, ngành liên quan làm tờ trình báo cáo UBND tỉnh Hải Dương. Như vậy, về mặt cơ sở pháp lý, từ một dự án ban đầu với 79 tỷ đồng, trong khu đất 35 ha thùng - vũng, đến nay đã trở thành 3 khu với tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bao gồm: Trường nghề Việt Nam – Canada, Khu công nghệ cao, Khu đô thị, Trung tâm vui chơi giải trí, Trung tâm thương mại. Đồng thời, kết nối hạ tầng với thành phố Chí Linh hiện nay.
Đề xuất… “trái khoáy”
Sau khi nhận được quyết định của UBND tỉnh Hải Dương tạm tính với giá thuế hơn 17,8 tỷ đồng, ngày 6/6/2016, Công ty Đại Sơn làm công văn đề xuất với tỉnh Hải Dương xác định rõ tiền thuê đất và tiền phải nộp thuế đất cho khu đô thị Đại Sơn. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 4 năm 3 tháng tỉnh Hải Dương vẫn không ra được quyết định. Tưởng rằng mọi việc sẽ xong sau khi Công ty Đại Sơn xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, thì Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương lại có sự thay đổi lãnh đạo.
Theo đó, Tỉnh ủy Hải Dương điều động ông Nguyễn Văn Đoàn về làm Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương. Ông Đoàn nguyên là Giám đốc Công ty TNHH MTV kinh doanh nước tỉnh Hải Dương. Ông Nguyễn Trọng Hải cũng mới được tỉnh điều chuyển về làm Phó giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương.
“Trong khi, hồ sơ của Công ty Đại Sơn hiện đang nằm tại Sở Xây dựng Hải Dương, nhưng lãnh đạo Sở không xử lý dứt điểm”, ông Bắc bức xúc.
Vẫn theo ông Bắc, Công ty Đại Sơn là đối tượng phải chịu trách nhiệm thực thi dự án, có quyền lợi và nghĩa vụ trong dự án nhưng lại không được mời tham gia cuộc họp liên quan đến công ty do Sở Xây dựng tổ chức gần đây.
Tại cuộc họp đó, ông Nguyễn Trọng Hải đã gửi báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương bóc tách dự án vì có sự đan xen về đầu tư cơ sở hạ tầng giữa tiền nhà nước và doanh nghiệp đầu tư. Từ 196 tỷ đồng “bóc” ra 32 tỷ đồng với lý do IQLinks và trường nghề Việt Nam – Canada phải bỏ tiền.
Trước yêu cầu này của Sở Xây dựng Hải Dương, ông Bắc cho rằng, đây là yêu cầu rất… “trái khoáy” và không thể chấp nhận được. Bởi khu đô thị được hình thành từ những thùng vũng “sâu hoắm” mà Công ty Đại Sơn phải bỏ tiền ra tôn tạo, trường nghề Việt Nam – Canada cũng thuộc sở hữu của Công ty Đại Sơn. Con đường xung quanh bên IQLinks cũng là do Công ty Đại Sơn bỏ tiền đầu tư.
“Kéo rào ngược” ?
Thực tế, IQLinks chỉ có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy trong khuôn viên 3 ha đã được quy hoạch và có tường rào. IQLinks không có trách nhiệm làm bên ngoài tường rào. Đặt giả thiết, nếu IQLinks phải làm bên ngoài tường rào, đến một thời điểm nào đó họ “đóng đường” thì khu đô thị đi vào đâu? “Việc bóc tách này là bất hợp lý và phi luật pháp”, ông Bắc khẳng định.
Tuy nhiên, gần 5 năm qua, tỉnh Hải Dương chưa thể xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp. Công ty Đại Sơn và công luận có quyền đặt dấu hỏi về mục đích của việc này là gì?
Thiệt hại tiền bạc cho doanh nghiệp chỉ là một vấn đề, nghiêm trọng hơn doanh nghiệp sẽ bị phá sản chỉ vì những quyết định “duy ý chí”? Với cách ứng xử như thế, liệu nhà đầu tư có còn niềm tin vào Hải Dương?...