Tiền Giang quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

PHAN NAM - LÊ TRANG 24/07/2020 09:53

Tính đến ngày 30/6/2020 Tiền Giang đã giải ngân hơn 80% vốn đầu tư công, thuộc nhóm các tỉnh thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ cao nhất cả nước.

Ông Lê Văn Hưởng kiểm tra tiến độ thi công công trình trụ sở 8 cơ quan của tỉnh

Ông Lê Văn Hưởng kiểm tra tiến độ thi công công trình trụ sở 8 cơ quan của tỉnh

Giữa tháng 7/2020, trong cái nắng gắt của mùa hè, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng cầu Mỹ Thuận 2. Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án là 342.524 m2, ảnh hưởng đến 389 hộ dân và 2 tổ chức ở 2 xã Hòa Hưng và An Hữu, huyện Cái Bè. Công tác đền bù giải tỏa đến nay đã chi trả được 365/389 hộ (đạt 93,3%) với số tiền 279,4/318,6 tỷ, còn lại 24 hộ chưa nhận tiền đền bù với số tiền 39,2 tỷ đồng.

Về đích sớm

Đây là một trong những dự án quan trọng quốc gia và công tác giải phóng mặt bằng có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Chính vì vậy Lê Văn Hưởng đã đến kiểm tra thực tế các khu vực nằm trong quy hoạch còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; trao đổi và ghi nhận ý kiến của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án để làm cơ sở tìm hướng giải quyết, đảm bảo việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.

Trước tác động kép của hạn, mặn và dịch bệnh COVID-19, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản là một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh lựa chọn trong kịch bản tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Chính vì vậy, tiến độ thực hiện các dự án, công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo. Cụ thể, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng đang được đảm bảo tiến độ thi công so với kế hoạch, khối lượng thực hiện cả dự án đến nay đạt gần 30%. Dự kiến, đến cuối tháng 10-2020, dự án sẽ hoàn thành thi công phần khung và đưa vào vận hành vào cuối tháng 11-2021. Bên cạnh đó, Dự án mở rộng Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1 cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến thời điểm này, Dự án Xây dựng Trụ sở làm việc 8 sở, ngành tỉnh đạt 70% khối lượng công việc, vượt 60 ngày so với kế hoạch đề ra, dự kiến ngày 10-10 sẽ đưa vào sử dụng. Sau khi xây dựng hoàn thành, đây là trụ sở làm việc của 8 sở bao gồm: Nội vụ; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Công thương; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiến độ xây dựng các cây cầu chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm: Cầu Vàm Trà Lọt, cầu Ngũ Hiệp, cầu Bình Xuân hiện đạt tiến độ từ 40% - 45%. Dự kiến, các dự án này sẽ hoàn thành vào đầu tháng 10-2020.

Những kết quả trên lý giải vì sao Tiền Giang thuộc nhóm các tỉnh thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Cụ thể, tổng vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2020 là 5.413 tỷ đồng, tính đến ngày 30-6-2020 đã giải ngân hơn 80%. Trong khi ước giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2020 của cả nước chỉ đạt 33,9% kế hoạch.

Điều hành linh động

Việc giải ngân đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên...

Bên cạnh đó, những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đó là những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn, cho nên các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Lê Văn Hưởng: Đầu tư công là một trong những cứu cánh quan trọng giúp địa phương vượt qua khó khăn, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần tăng trưởng. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã tập trung rất cao và có sự đồng thuận với cơ quan cấp trên trong thực hiện công tác triển khai thực hiện.

Cụ thể, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tính toán các biện pháp để chỉ đạo ngay trong thường trực ủy ban và các sở, ngành. HĐND tỉnh Tiền Giang đã có nghị quyết ban hành cho UBND tỉnh điều hành linh động, kịp thời điều chuyển vốn ở các công trình. Đặc biệt, UBND tỉnh có quy định đến tháng 6-2020, những công trình nào không giải ngân được phải xin ý kiến HĐND tỉnh cho dừng lại để chuyển vốn cho các công trình khác. Nhờ đó, việc chỉ đạo công tác giải ngân vốn của UBND tỉnh gặp nhiều thuận lợi. Cùng với đó, UBND tỉnh đã phân công 4 đồng chí thường trực UBND tỉnh thành lập các tổ làm việc với các huyện, thị, thành để giải quyết hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ giải phóng mặt bằng…”- ông Lê Văn Hưởng chia sẻ.

PHAN NAM - LÊ TRANG