Hải Dương: Doanh nghiệp kiến nghị dừng thanh tra để phục hồi sản xuất
Do hậu quả dịch COVID-19 để lại, nhiều doanh nghiệp cắt giảm công nhân, thu hẹp sản xuất, thậm chí dừng do vậy Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất dừng thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Hồng Khiêm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương thông tin, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có 656 người xuất khẩu lao động, chỉ đạt 14,5% kế hoạch do tác động của dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề về sản xuất, kinh doanh. Qua thống kê của BHXH, địa bàn tỉnh có 14.000 doanh nghiệp, trong đó 120 doanh nghiệp có quy mô từ 50 lao động trở lên đã phải chấm dứt hợp đồng đối với tổng số hơn 26.000 người lao động. Có 3.500 lao động phải hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương. Có doanh nghiệp gần 2.000 lao động đã xin giải thể vì không thể duy trì sản xuất. Trong số những người mất việc làm thì chỉ có khoảng 9.000 lao động tìm được việc làm mới. Các doanh nghiệp may, giày da ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh giảm 20.000 người tham gia bảo hiểm xã hội và có tới 7.628 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Chính vì những khó khăn đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất tạm dừng thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật lao động, bảo hiểm để doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất. Hiện tỉnh đang tổng hợp số lao động phải chấm dứt hợp đồng để kết nối, chuyển dịch nguồn lao động giữa các doanh nghiệp với nhau. Sở cũng tư vấn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sớm phục hồi sản xuất.
Phát biểu tại Kỳ họp 13 HĐND tỉnh khóa XVI, Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Tập trung giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trước đó tại buổi tọa đàm do VCCI tổ chức, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hậu COVID-19, bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Hưng Yên đề nghị, hiện Chính phủ có cơ chế để các cơ quan nhà nước vào thanh tra các doanh nghiệp quá nhiều mà hầu hết nội dung thanh tra đều giống nhau khiến doanh nghiệp cảm thấy phiền phức và bức xúc.
Điển hình Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương ở phường Hiệp Sơn (thị xã Kinh Môn) thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong năm. Tính riêng lĩnh vực môi trường, từ năm 2014 - 2019, có 30 cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương tại công ty. Đặc biệt năm 2019, doanh nghiệp phải tiếp tới 6 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có cuộc kiểm tra của Sở TNMT đến cuối tháng 2/2020 chưa kết thúc. Trong khi việc thanh tra, kiểm tra của năm 2019 còn chưa xong, doanh nghiệp này tiếp tục nhận được quyết định thanh tra của Bộ TNMT trong năm 2020.
Theo lãnh đạo công ty để chuẩn bị cho mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, phát triển của công ty.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, khắc phục được khó khăn sản xuất do dịch bệnh gây ra doanh nghiệp rất mong các cấp chính quyền tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo, bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn khi xây dựng, rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm. Các bộ phận chuyên môn cần bám sát, theo dõi tình hình của doanh nghiệp để tham mưu làm sao để thanh tra, kiểm tra trúng và đúng. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong phối hợp thanh tra, kiểm tra.
Có thể bạn quan tâm