Phú Yên: “Nghịch lý”... "sốt đất san lấp" hơn đất nền?
Tình trạng "sốt đất san lấp" hơn đất nền tại Phú Yên không chỉ tạo áp lực lớn về chi phí cho các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân cho các dự án đầu tư công tại địa phương.
“Nghịch lý”, đất san lấp…
Mới đây, nhiều doanh nghiệp thi công các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đang tỏ ra khá lo lắng khi nguồn đất san lấp cho các công trình ngày càng trở lên khan hiếm. Nghịch lý hơn, sự khan hiếm này đang tạo ra làn sóng “sốt” đất san lấp hơn cả đất nền đang là vấn rất đáng lưu tâm. Đáng chú ý, nhu cầu sử dụng của loại hình đất này đang có chiều hướng tăng lên khá cao, dự kiến từ nay đến cuối năm lên tới cả hàng chục triệu mét khối đất (m3). Thế nhưng, trên thực tế lại không có một mỏ đất hợp pháp nào được dùng để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao này là hết sức bất cập.
Lo ngại hơn, nếu những tồn tại này không được các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên vào cuộc và giải quyết một cách quyết liệt, thì hàng chục các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án đầu tư công, và chưa kể các dự án phát triển kinh tế xã hội khác sẽ rơi vào tình trạng bế tắc và không thể tìm ra lối thoát. Và một khi sự việc này lên tới đỉnh điểm, ở mức “báo động đỏ” về thiếu nguồn cung, thì câu chuyện chậm tiến độ tại các dự án theo như kế hoạch ban đầu đưa ra cũng là điều hiển nhiên. Song, điều đáng lo ngại lớn hơn chính là “các dự án đầu tư công không thực hiện đúng tiến độ, đồng nghĩa với phương án giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 sẽ không thể về “đúng đích” như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, cũng như những cam kết mà Phú Yên đã báo cáo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại hội nghị trực tuyến ngày 21/8 vừa qua.
Liên quan đến sự khan hiếm đất san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Cty hạ tầng giao thông 1.5 (Cty.1.5), cho biết: Hiện nay các dự án Cty 1.5 thi công đang gặp phải bế tắc vì không có nguồn đất san lâp phục vụ cho dự án. Và hệ lụy của việc khan hiếm nguồn đất san lấp không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ của dự án, mà còn làm cho các dự án này đội thêm chi phí, ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước là điều không thể tránh khỏi. Bởi thực tế, các doanh nghiệp thi công hiện đang phải mua đất ở các địa phương khác, hoặc ở một nơi khá nhưng với giá cắt cổ, chưa kể những yếu tố (do cự ly, khoảng cách thiếu phù hợp dẫn đến chi phí vận chuyển cao, nguồn cung ít…).
… “sốt” hơn đất nền?
Cũng theo đại diện Cty1.5, “Phú Yên là một tỉnh đồi núi trùng trùng, điệp điệp, nguồn cung khá dồi dào, thế nhưng, suốt nhiều năm qua không có một mỏ đất san lấp nào để phục vụ cho nhu cầu thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, đô thị là hết sức bất cập”. Đất san lấp tăng theo từng ngày, giá hôm trước 60.000/m3 nhưng ngày hôm sau đã lên tới 95.000/m3, “sốt” hơn cả đất nền là ngoài sức tưởng tượng. Điều đáng nói, quy hoạch cho các mỏ đất san lấp đã có từ khá lâu, thế nhưng, địa phương lại không thể đưa vào triển khai hoặc thông qua đấu giá công khai là vấn đề hết sức phi lý – đại diện Cty 1,5 Bức xúc.
Đồng quan điểm, Công ty TNHH Tuấn Tú cũng cho hay, hiện nay nguồn đất san lấp tại Phú Yên chủ yếu là đát tận thu tại một mố các mỏ khai thác đá. Tuy nhiên, nguồn tận thu này về cơ bản không thể đấp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của Phú Yên trong việc phát triển hạ tầng đô thị tại các trung tâm quận huyện, đặc biệt là TP.Tuy Hòa.
Tương tự, ông Nguyễn Huỳnh Vĩnh Huy – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, cho rằng: Hiện nay tỉnh Phú Yên đang triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Và tính bình quân, nhu cầu về đất san lấp của mỗi dự án lên tới cả hàng triệu m3 đất để san lấp mặt bằng, trong khi nguồn cung về loại đất này lại khá khan hiếm, không thể đáp ứng cho nhu cầu ngày một tăng cao thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án.
Do đó, để giải quyết cho vấn đề này, UBND tỉnh Phú Yên cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, đề xuất và thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ theo lộ trình, trong đó, có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, cụ thể:
Một là, trước mắt tận dụng các mỏ đá đã được cấp phép, nhưng có khối lượng đất nhiều để tận thu, sau đó đưa ra đấu thầu công khai để tránh thất thu ngân sách Nhà nước, đồng thời, hạn chế tình trạng độc quyền, thổi giá.
Hai là, tận dụng những khu đất đồi, cằn cỗi, giá trị kinh tế thấp để đấu thầu công khai tạo nguồn cung dồi dào, phục vụ cho các công trình hạ tầng giao thông, phát triển đô thị…
Ba là, trong kế hoạch dài hạn cần phải rà soát các quy hoạch đã có trước đó, đồng thời, lập kế hoạch dựa theo nhu cầu thực tế cần sử dụng để cấp mỏ khai thác. Trong đó, có kế hoạch cho cả thì hiện tại và tương lai, tránh tình trạng nguồn cung dồi dào nhưng quy trình cấp nhỏ giọt dẫn tới tình trạng lại khan hiếm nguồn đất, thấp hơn nhu cầu thực tế và làm ảnh hưởng tới tiến độ các công trình thi công, đặc biệt là các dự án đầu tư công. Sau đó, bước cuối cùng sẽ là đưa ra đấu thầu công khai để thu ngân sách Nhà nước.
Trước đó, tháng 10/2019, Sở TN-MT phối hợp với chính quyền thị xã Đông Hoà, các sở, ban ngành liên quan… đã tiến hành kiểm tra thực địa và thống nhất vị trí tận thu đất và đá thừa, nhưng đến nay đơn vị thi công vẫn không thể tận thu nguồn đất này, vì đã hết thời gian theo quy định của UBND tỉnh.
Theo Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên, hiện tất cả các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng thiếu đất để san lấp mặt bằng. Tại TP Tuy Hoà, có các dự án như dự án Nút giao thông khác mức đường số 2, Khu đô thị Nam Tuy Hoà - đường Nguyễn Văn Linh; đường Lý Thái Tổ, đường N3, Trường Chinh nối dài… cũng đang trong tình trạng thiếu đất san lấp.
Ông Đặng Khoa Đãm - Phó Giám đốc điều hành Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết: Uớc tính các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh cần khoảng 3 triệu m3 đất để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay việc tận thu đất tầng phủ từ các mỏ khai thác đá chỉ rơi vào khoảng 500.000m3. Điều này khiến đơn vị và các nhà thầu thi công gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các dự án.
Như vậy, nhìn từ vụ việc nêu trên cho thấy, sự khan hiếm, và “sốt” đất san lấp hơn đất nền tại Phú Yên, không chỉ tạo áp lực lớn về chi phí cho các doanh nghiệp thi công các công trình, dự án hạ tầng giao thông, mà còn là áp lực rất lớn cho địa phương về tiến độ giải ngân cho các dự án đầu tư công về đúng đích như đã cam kết với Thủ tướng là vấn đề rất đáng báo động.
Kỳ 2: Lo ngại tình trạng “chờ nước đục… thả câu”!
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên: Nỗ lực thu hút đầu tư trước đại dịch COVID-19
14:46, 24/08/2020
Phú Yên: Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020!
14:12, 21/08/2020
Phú Yên: “Lực hấp dẫn” hút đầu tư
15:49, 01/07/2020
Phú Yên: Áp dụng kinh tế số và liên kết toàn diện với các nước
05:00, 30/06/2020
Phú Yên sẽ "lột xác" như thế nào sau quy hoạch 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050?
17:13, 14/04/2020