Thủy Nguyên (Hải Phòng): Giải pháp nào xóa bỏ lò vôi thủ công đúng thời hạn?
Kiên quyết ngăn chặn khi phát hiện dấu hiệu tập kết nguyên vật liệu (than, đá vôi), lắp đặt máy móc tại chân lò, dựng lại nhà xưởng để tái sản xuất trở lại lò vôi thủ công.
Đó là chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng đối với việc thực hiện xóa bỏ lò vôi thủ công trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện có 133 lò vôi thủ công, trong đó có 74 lò đã dừng hoạt động, còn lại 59 lò đang hoạt động. Kế hoạch đến hết tháng 10/2020 sẽ xóa bỏ tất cả các lò vôi thủ công trên. Việc thực hiện cũng đã được huyện Thủy Nguyên triển khai ngay từ đầu năm.
Cụ thể, tháng 5/2020 xóa bỏ 5 lò (3 lò thuộc xã An Sơn, 2 lò thuộc thị trấn Minh Đức). Tháng 6/2020 xóa bỏ 23 lò (3 lò thuộc thị trấn Minh Đức, 20 lò thuộc xã Minh Tân). Tháng 7/2020 xóa bỏ 24 lò (7 lò tại xã Minh Tân, 2 lò tại xã Kỳ Sơn, 14 lò tại xã Lại Xuân). Tháng 8/2020 xóa bỏ 7 lò (2 lò xã Gia Minh, 5 lò ở xã Lại Xuân). Đối với 74 lò đã dừng hoạt động nhưng chưa thực hiện phá dỡ sẽ được tháo dỡ, phá bỏ trong tháng 8,9/2020.
Được biết, để có 6 tấn vôi cho mỗi mẻ lò, phải dùng hết 7m3 đá, 3 tấn than, 3 xe công nông than bùn, 5 tạ củi và phải đốt lửa liên tục 10 - 15 ngày đêm. Ô nhiễm môi trường không khí tại các khu vực lò vôi thủ công có nguồn gốc chủ yếu từ sử dụng đá, than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp) trong dây chuyền sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2..., chất hữu cơ bay hơi.
Trước đó, tại xã Minh Tân người dân quanh khu vực lò vôi liên tục có ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri về việc các lò vôi sản xuất theo công nghệ thủ công, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp. Nhiều người đã kiến nghị, lãnh đạo địa phương cần có biện pháp xử lý các chủ lò vôi gây ô nhiễm môi trường, nếu nghiêm trọng cần đóng cửa ngay mà không cần đợi quy trình.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Minh Tân đã giảm 12 lò vôi so với trước. Đối với 16 lò vôi thủ công hiện đang hoạt động, địa phương yêu cầu không được cơi nới thêm hoặc cải tạo nâng cấp lò vôi, hoạt động đúng hiện trạng đến thời điểm thực hiện lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công.
Tại xã Lại Xuân, các chủ lò vôi đã có đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền khi xã này ra thông báo dừng hoạt động các lò vôi trên địa bàn từ tháng 7/2020. Nguyên nhân được cho là chính quyền huyện Thủy Nguyên chưa có phương án hỗ trợ xóa bỏ, chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công.
Ông Đỗ Văn Quang, một chủ lò vôi cho biết, "chúng tôi đã chuẩn bị than đá, thuê công nhân và ký hợp đồng bán vôi cho các đơn vị đến hết tháng 10/2020 (theo kế hoạch của UBND huyện Thủy Nguyên về thực hiện xóa bỏ, chấm dứt lò vôi thủ công đến hết ngày 30/10/2020). Hơn nữa, từ đầu năm chúng tôi đã phải dừng hoạt động hơn 2 tháng vì dịch COVID-19, nguyên vật liệu giá trị hàng tỷ đồng vẫn chưa kịp sản xuất ra thành phẩm. Nếu UBND huyện Thủy Nguyên vẫn duy trì thời gian xóa bỏ lò vôi thủ công như kế hoạch ban đầu thì thiệt hại đối với chúng tôi là vô cùng lớn".
"Cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được một thông báo nào về phương án hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, chuyển đổi việc làm cho người lao động. Hàng trăm lao động địa phương, chủ yếu là người trong độ tuổi từ 45-60 tuổi vô cùng hoang mang và lo lắng về vấn đề việc làm sau khi lò vôi bị dừng hoạt động. Vì vậy chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian thực hiện xóa bỏ lò vôi thủ công đến hết năm 2020 để sử dụng hết toàn bộ nguyên vật liệu, tiêu thụ thành phẩm đang tồn đọng do ảnh hưởng của dịch bệnh" – ông Quang cho biết thêm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Long – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thủy Nguyên cho biết, kế hoạch của thành phố là sẽ phải dừng, xóa bỏ tất cả các lò vôi thủ công trên địa bàn vào cuối tháng 10/2020. Các hộ đề nghị kéo dài hoạt động thì sẽ không còn thời gian để dỡ bỏ theo kế hoạch của thành phố. Hiện, huyện Thủy Nguyên cũng đang nghiên cứu phương án hỗ trợ cho việc xóa bỏ lò vôi thủ công.
Mặc dù chủ trương xóa bỏ lò vôi thủ công là đúng đắn, thời hạn xóa bỏ hoàn toàn không còn nhiều, chỉ còn chưa đầy 4 tháng, huyện Thủy Nguyên cũng đang gấp rút triển khai. Hơn lúc nào hết, Thủy Nguyên đang cần sự đồng tình, ủng hộ từ người dân, đặc biệt là các chủ lò vôi.
Có thể bạn quan tâm