Du lịch Hội An “bế tắc” vì COVID-19
Trên thực tế, ngành du lịch Hội An lâm vào cảnh “bế tắc” trong việc vượt khó do COVID-19 gây ra, hiện tại chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ.
Các chương trình kích cầu du lịch nội địa bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên dịch COVID-19 bùng phát giai đoạn 2 đã làm ngành du lịch Hội An tiếp tục lâm vào cảnh lao đao.
Đóng cửa chờ hết dịch
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát giai đoạn 2, du lịch Hội an đã có nhiều chuyển mình tích cực đối với lượng khách nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch, dịch vụ,… đã thay đổi mình để phù hợp với khách nội, điều đó đã mang lại nhiều hiệu quả ban đầu. Lượng khách đến với thành phố tương đối ổn đủ để ngành du lịch trang trải trong thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, du lịch nội địa mới đang trên đà phục hồi, các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu triển khai các tour kích cầu nội địa với giá rẻ, ưu đãi, hầu như chưa có lợi nhuận.
Thế nhưng, do dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã khiến du lịch Hội An quay về với những khó khăn ban đầu. Du lịch lại lao đao khi khó khăn cũ chưa được khắc phục thì khó khăn mới lại tiếp tục chồng thêm lên. Điều này đã khiến du lịch khó càng thêm khó. Nếu như không tìm được “lối thoát” dễ khiến cho ngành du lịch Hội An vỡ trận
Tình trạng hiện nay của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch rất khó khăn, doanh thu âm liên tục nhiều tháng chắc chắn sẽ khiến chi phí dự trữ của các đơn vị cạn kiệt. Nhiều cơ sở “bình dân hóa” dịch vụ để mở cửa hoạt động trở lại nhưng chưa được bao lâu thì đã gặp vướng.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp chấp nhận “sống chung với lũ”, cố gắng đợi dịch qua đi mới bắt đầu hoạt động trở lại. Điều họ mong muốn lớn nhất bây giờ là dịch bệnh sớm được kiểm soát để du lịch nói riêng và các ngành nghề khác nói chung trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Chí Hùng – Kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu phố cổ Hội An cho biết nhà hàng của ông đã đóng cửa từ đợt dịch tháng 2/2020 đến nay vẫn chưa thể mở cửa lại. Theo ông Hùng nếu muốn hoạt động trở lại phải tốn rất nhiều các loại chi phí nhưng không thể đảm bảo rằng có lãi hay không?
“Điều lo lắng nhất là tốn hàng loạt chi phí để trở về với kiểu “kinh doanh bình dân” để đáp ứng nhu cầu của khách nội địa nhưng không đảm bảo rằng sẽ có thu nhập đủ để trang trải. Thế nên tôi quyết định đóng cửa từ đợt dịch đầu đến nay để được miễn thuế từ thành phố. Bên cạnh đó, gia đình cũng làm thêm nhiều việc khác để kiếm thêm thu nhập.” Ông Hùng cho biết.
Nhiều cơ sở dịch vụ tại Hội An cũng làm tương tự ông Hùng, đó là đóng cửa tạm dừng kinh doanh cho đến khi cảm thấy tình hình khả quan trở lại. Bởi lẽ ngoài thuế thì các cơ sở kinh doanh còn chịu nhiều loại phí khác nhau nếu như hoạt động trở lại.
Chưa tìm được “lối thoát”
Một thành phố với hơn 70% GDP phụ thuộc vào ngành du lịch, Hội An cũng đang vướng rất nhiều trong công tác chuyển đổi ngành nghề, kinh doanh trong thời điểm này. Lượng người thất nghiệp do COVID-19 ngày một tăng nhưng để chuyển đổi ngành nghề trong thời gian này cũng là một thách thức lớn.
Đại diện một công ty lữ hành tại Hội An cho biết đến thời điểm hiện tại phía công ty đã hết quỹ dự trữ, mong muốn được rút ký quỹ để trang trải nhưng vẫn phải chờ sự đồng thuận từ Tổng Cục du lịch. Đối với dịch vụ lữ hành, phần lớn phụ thuộc vào lượng khách quốc tế nhưng từ tháng đầu tháng 3 đến nay lượng khách này đã không còn. Vì thế khó khăn đang nối tiếp khó khăn.
Vị này còn cho biết thêm vì Hội An là một thành phố nhỏ, cho nên việc triển khai các nghề phụ để có thu nhập cũng là một vấn đề khó khăn. Việc “lấy ngắn nuôi dài” cũng gặp nhiều trở ngại cho nên đành chịu cảnh ngồi không.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho biết ngành du lịch Hội An hiện nay vẫn chưa thể triển khai được các công tác phục hồi. Các doanh nghiệp chỉ có thể tiết kiệm hết mức việc chi trả các khoản chi phí cho các hoạt động không cần thiết. Bên cạnh đó, cũng chỉ có thể traning online cho các nhân viên trong thời gian rảnh chứ thực sự không thể làm gì khác được.
“Hiệp hội hiện nay cũng đang thực hiện triển khai đào tạo phục vụ an toàn cho các doanh nghiệp để có thể đáp ứng được các yêu cầu sau khi dịch được kiểm soát. Hiện nay việc tiết kiệm các khoản chi phí cũng được xem là tự cứu mình.” Ông Thanh nói.
Hiệp hội du lịch Quảng Nam (QTA) cũng đã có đề xuất mới gửi Tổng cục du lịch cùng các bên liên quan nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiệp hội mong muốn việc hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp do COVID-19 nhanh chóng được triển khai bởi “tiền chưa đến tay người lao động”.
QTA cũng thông tin rằng các doanh nghiệp du lịch được hưởng gói hỗ trợ cũng chưa thể tiếp cận được nguồn vốn để trả lương và cho đến nay, tại Quảng Nam vẫn chưa thể giải quyết được cho doanh nghiệp du lịch vì quá nhiều rào cản.
Bên cạnh đó, QTA kiến nghị giảm thuế doanh thu, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất 50% đối với doanh nghiệp từ năm 2020 đến tháng 6/2021. Đề xuất Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay bằng nguòn vốn 62.000 tỷ còn lại hoặc bằng các gói hỗ trợ mới, ưu tiên thông qua hỗ trợ lãi suất ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm