ĐBSCL: Cấp “số nhà” cho trái cây xuất khẩu
Trái cây muốn xuất khẩu sang thị trường các nước thì bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc.
Thông tin tại hội nghị “Triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2020-2021” diễn ra vào ngày 17/9, ở tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật-Bộ NN&PTNT cho biết: theo các quy định mới bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam thì trái cây muốn xuất sang quốc gia họ đều phải xác định được nơi trồng (thường sử dụng GPS) , canh tác theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, đóng gói cũng phải thực hiện theo quy định của nhà nhập khẩu. Đề hỗ trợ cho nông dân các vùng nguyên liệu, Bộ NN&PTNT đang triển khai đồng loạt việc cấp mã số vùng sản xuất xuất khẩu.
Tính đến nay Bộ đã cấp được 998 mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu, trong đó, thị trường Hoa Kỳ có 471 mã số; Úc và New Zealand có 393 mã số; Hàn Quốc 199 mã số… Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.
Riêng thị trường Trung Quốc một thị trường nhập khẩu lớn, tính đến tháng 8/2020, đã có 47 địa phương gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180.000 héc ta cho 9 loại quả tươi gồm thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là các sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng được cấp nhất.
Tính đến nay khu vực ĐBSCL đã có 628 vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số và 924 cơ sở đóng gói phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc được cấp mã số.
Theo ông Thiệt, mới đây Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.
Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng nhập khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý, trong đó, tỉnh Tiền Giang có 15 mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng, tỉnh An Giang 7 mã số, Vĩnh Long 2 mã số...
“Dù sản lượng trái cây bị phía Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu là không lớn so với tổng mã số đã được cấp, nhưng sẽ để lại tiếng xấu cho nông sản Việt. Do vậy trong thời gian tới công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được làm chặt chẻ hơn” ông Thiệt cho biết.
Có thể bạn quan tâm