Sở GTVT TP Hồ Chí Minh: Không có chuyện ưu ái thí điểm 5 tuyến xe buýt điện
5 tuyến xe buýt điện Sở GTVT TP HCM đề xuất thí điểm phù hợp với chủ trương phát triển hành khách công cộng của thành phố.
Dư luận mấy ngày qua ồn ào về việc Sở GTVT TP HCM đề xuất mở mới và trợ giá 5 tuyến xe buýt điện không qua đấu thầu. Đáng chú ý, đơn vị xin thí điểm tự định giá xe còn mong muốn được hỗ trợ hoạt động. Báo Giao thông trao đổi với ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP HCM làm rõ hơn vấn đề này.
Điểm đầu, cuối chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong lộ trình xe buýt
- Các tuyến buýt điện mà Sở GTVT thành phố vừa đề xuất được dựa trên cơ sở nào thưa ông?
5 tuyến Vinbus đề xuất thí điểm đều nằm trong danh mục quản lý mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2283. Quyết định của UBND thành phố về danh mục tuyến vận tải hành khách công cộng được xây dựng căn cứ vào Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định yêu cầu UBND tỉnh, thành phố phải có danh mục quản lý tuyến xe buýt trên địa bàn. Vì vậy, 5 tuyến đề xuất thí điểm phù hợp với quy định của pháp luật.
- Có ý kiến cho rằng, Sở GTVT thành phố đang ưu ái cho doanh nghiệp khi đồng ý để Vingroup đề xuất mở 5 tuyến buýt chỉ nhằm mục đích phục vụ cho cư dân tại KĐT của họ?
Tôi cho rằng điều này là không có cơ sở, 5 tuyến buýt được đề xuất sẽ phục vụ tất cả nhân dân thành phố đi lại dọc tuyến, không riêng gì cư dân trong khu đô thị của Vingroup. Và cư dân tại bất cứ khu đô thị nào kể cả Vingroup cũng đều là người dân của thành phố, được hưởng những quyền lợi như nhau. Quan trọng hơn, 5 tuyến buýt này sẽ kết nối với các tuyến xe buýt khác để tạo thành hệ thống mạng lưới xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố.
Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy, các tuyến buýt thí điểm được đề xuất đều đi qua các tuyến đường lớn, đông dân cư và sẽ phục vụ tất cả người dân sinh sống dọc các tuyến đường đó. Ví dụ, tuyến VB03 Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn dài 29 km, lộ trình đi hàng loạt các con đường thiết yếu: Nguyễn Xiển, Lê Văn Việt, Võ Chí Công, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt... Nhìn ở góc độ kỹ thuật, toàn bộ người dân dọc các con đường này đều được sử dụng buýt điện nên nói chỉ phục vụ cho cư dân của Vingroup là cái nhìn chưa đầy đủ, thiếu khách quan và không đúng bản chất sự việc.
Hiện nay vận tải hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị thành phố. Theo mục tiêu của đề án tăng cường VTHKCC, đến năm 2025 khối lượng vận chuyển đáp ứng 15% nhu cầu. Để đạt được mục tiêu này, TP đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phát triển VTHKCC (trong đó có giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt công cộng) tổng nhu cầu vốn gần 500 nghìn tỷ đồng - ông Đỗ Ngọc Hải
- Vậy ông giải thích thế nào khi có tới 4/5 tuyến của Vinbus đều có điểm đầu - cuối là khu đô thị Vinhomes Grand Park?
Đối với xe buýt, điểm đầu, điểm cuối không phải là mấu chốt quan trọng và nói lên được vấn đề gì vì 2 điểm này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong lộ trình xe chạy hay nói cách khác là chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong hoạt động vận tải. Do vậy việc tuyến buýt để điểm đầu, điểm cuối ở đâu không có nghĩa là phục vụ riêng cho một đối tượng nhất định tại địa điểm đó.
Việc đặt điểm đầu - cuối các tuyến phần lớn nằm trong Vinhomes Grand Park vì hệ thống buýt điện đòi hỏi phải có diện tích bãi đỗ rộng để thuận tiện cho việc bảo dưỡng, sửa chữa và quan trọng nhất là để xây dựng trạm sạc điện mà tại Vinhomes Grand Park đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Chưa kể toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng bãi đỗ, trạm sạc... rất lớn tại Vinhomes Grand Park cũng đều do Vingroup tự bỏ ra, không được tính vào chi phí vận hành để được trợ giá trong giai đoạn thí điểm.
Trợ giá cho nhân dân, không phải cho doanh nghiệp
- Mức giá đầu tư 6,5 tỷ đồng/xe buýt điện do chính Vinroup là đơn vị sản xuất đưa ra đang bị cho là khá cao. Họ tự đề xuất mức giá cao để “bán” xe cho chính mình xong lại xin thành phố trợ giá hoạt động… Điều này có phi lý không, thưa ông?
Giá xe cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cơ quan quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt cuối cùng. Nếu so sánh với các nước tại Châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc thì giá xe Vinbus đang có phần rẻ hơn. Thường ở các nước này, mỗi chiếc tương tự tính ra tiền Việt khoảng từ 7 - 20 tỷ đồng tuỳ vào các hãng sản xuất với các tính năng khác nhau. Đề án xe điện của Vinbus cho thấy, xe thực tế khi thị trường sẽ kèm theo các tính năng cao cấp, hiện đại không kém gì buýt điện tại các nước phát triển.
Về phần trợ giá, phải hiểu đúng định nghĩa về trợ giá đã được quy định tại Nghị định 32 về đặt hàng, đấu thầu. Thành phố trợ giá cho nhân dân sử dụng phương tiện giao thông công thông qua đơn vị vận hành chứ không phải trợ giá cho đơn vị. Mục đích của việc trợ giá là để thu hút người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Hiện các tuyến buýt thường tại thành phố cũng đều đang được trợ giá khoảng gần 50%. Trong khi đó, tỷ lệ được đề xuất cho 5 tuyến thí điểm này của VinBus được lấy ở mức 44%, mức thấp trong hệ thống xe buýt của thành phố.
Trong thời gian chạy thí điểm, Vingroup tự đề nghị được áp dụng định mức tạm thời chỉ như xe CNG (xe sử dụng nguyên liệu CNG) của các tuyến đang hoạt động mặc dù thực tế chi phí đầu tư ban đầu xe buýt điện cao hơn từ 2-3 lần xe CNG. Giá trị xe càng đắt thì khấu hao, chi phí sửa chữa càng lớn, chưa kể đến các cơ sở hạ tầng dành riêng cho xe điện như trạm sạc.
Nói như vậy để thấy chính họ cũng đang phải “hy sinh” rất nhiều để chạy thí điểm 5 tuyến buýt điện này chứ chưa nói đến chuyện có được thành phố ưu ái hay không. Còn quan điểm của Sở là những gì mới, thân thiện với môi trường mà còn phục vụ tốt hơn người dân thì nên tiếp nhận, tạo điều kiện.
- Trước đó năm 2017, đã có 4 tuyến xe buýt điện, trong đó có 1 tuyến của Mai Linh , 2 tuyến của Phố Cảnh được đưa vào vận hành ở khu vực trung tâm thành phố nhưng không hề được trợ giá. Vậy tại sao 5 tuyến buýt điện thí điểm này của Vingroup lại được “đặc cách”?
Trước tiên, cần làm rõ đây là 2 loại hình khác nhau nên không thể so sánh được. Xe buýt của Vingroup là loại xe lớn, sức chứa 65-70 chỗ, cự ly dài và kết nối vào các điểm trọng yếu của tuyến xe buýt hiện hành như sân bay, trường học, bến xe hay trung tâm thành phố. Đối với xe Mai Linh chỉ là loại xe nhỏ 14 chỗ, hở hai bên hông, trang thiết bị không đầy đủ và tiện nghi như hệ thống xe buýt khác. Bên cạnh đó, loại xe này đi cự ly ngắn nên chưa thu hút khách. Đồng thời, hoạt động theo dạng city tour trong cự ly ngắn nên về bản chất không đáp ứng được điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định. Điều 5 nghị định 10/2020 quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã quy định rõ điều này. Vì vậy đem 2 loại hình này ra so sánh với nhau thì khập khiễng, không hợp lý.
- Vậy để đảm bảo tính công khai và minh bạch, tại sao Sở GTVT thành phố không để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu bình đẳng các tuyến buýt này?
Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp đều có thể tham gia đấu thầu để vận hành các tuyến xe buýt điện này.
Tuy nhiên, tại Nghị định 32/2019 quy định về điều kiện đấu thầu bắt buộc phải có đơn giá, định mức cụ thể để đem lại giá trị lớn nhất, tốt nhất cho nhà nước. Trong khi đó, loại hình xe buýt điện đáp ứng được điều kiện kinh doanh vận tải hành khách như Vinbus lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Chúng ta chưa biết 1 km chạy hết bao nhiều tiền, bao nhiêu kw điện, chi phí vận hành thế nào, quy trình bảo dưỡng ra sao... thì chưa đủ căn cứ để đưa ra đấu thầu. Chính vì vậy, Sở GTVT Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố thí điểm hoạt động 1 năm sau đó xây dựng đơn giá, định mức mới đấu thầu rộng rãi. Tập đoàn Vingroup đã chủ động xin đề xuất chạy thí điểm để cơ quan Quản lý nhà nước xây dựng định mức, khi có định mức thì đấu thầu và mọi doanh nghiệp đều có thể tham gia đấu thầu các tuyến này.
- Chủ trương của thành phố có khuyến khích phát triển xe buýt điện?
Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM xác định giai đoạn tới sẽ phải mở rộng mạng lưới xe buýt đến các khu dân cư, khu đô thị mới. Bên cạnh đó, đề án cũng xác định tăng cường các loại phương tiện nhiên liệu sạch. Đề xuất thí điểm 5 tuyến buýt được phù hợp với chủ trương, giải pháp tăng cường vận tải khách công cộng, đặc biệt phương tiện không phát khí thải gây hại đối với môi trường đã được UBND và HĐND thành phố thông qua.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm